Viêm màng bồ đào

ĐỊNH NGHĨA

Viêm màng bồ đào là tình trạng sưng và kích ứng (viêm) bên trong mắt. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến lớp giữa của mắt (màng bồ đào), là lớp được cấu tạo từ 3 phần:

  • Mống mắt: là phần tạo nên màu mắt;
  • Thể mi: là cơ vòng nhỏ nằm sau mống mắt giúp cho mắt tập trung;
  • Màng mạch: là lớp mô nằm giữa võng mạc và củng mạc, chứa các mạch máu và sắc tố giúp hấp thu ánh sáng thừa.

Màng bồ đào là nơi chứa hầu hết các mạch máu của mắt.

Cấu trúc của màng bồ đào

Viêm màng bồ đào có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt và có thể gây ra các triệu chứng ngắn hạn hoặc dài hạn. Các triệu chứng có thể tự khỏi và tái phát. Theo thời gian, tình trạng này có thể làm tổn thương hoặc phá hủy cấu trúc mắt và gây mất thị lực.

NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO?

Tình trạng này có thể gây ra bởi:

  • Tình trạng nhiễm khuẩn khởi phát từ trong mắt hoặc lây lan đến mắt có thể do:
  • Vi rút, ví dụ như bệnh zona, quai bị hoặc herpes
  • Nấm, ví dụ như histoplasmosis
  • Ký sinh trùng, ví dụ như toxoplasmosis
  • Vi khuẩn, ví dụ như bệnh giang mai, bệnh lao hoặc bệnh Lyme.
  • Các bệnh gây viêm ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, như viêm khớp, cũng có thể ảnh hưởng đến mắt;
  • Các bệnh tự miễn trong đó hệ thống bảo vệ cơ thể (hệ miễn dịch) tấn công chính các mô của cơ thể;
  • Tổn thương mắt:
    • Kết quả từ việc tổn thương mắt
    • Tình trạng viêm ở một bên mắt có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho bên mắt còn lại (viêm màng bồ đào giao cảm).

Tuy nhiên, gần một nửa số trường hợp mắc bệnh không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể. Đây gọi là tình trạng viêm màng bồ đào tự phát.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO LÀ GÌ?

Các triệu chứng của viêm màng bồ đào gồm có:

  • Đau mắt (thường cảm thấy đau âm ỉ bên trong và xung quanh mắt);
  • Đỏ mắt;
  • Tầm nhìn mờ hoặc bị kéo mây;
  • Nhạy cảm với ánh sáng (chứng sợ ánh sáng);
  • Xuất hiện các chấm đen lơ lửng trước mắt (hiện tượng ruồi bay).

Các triệu chứng có thể hình thành đột ngột hoặc từ từ sau một vài ngày.

Các triệu chứng

Có trường hợp bị “đỏ mắt” đơn giản nhưng trên thực tế có thể là tình trạng viêm màng bồ đào nghiêm trọng. Khi mắt bị đau hoặc đỏ và không thể tự khỏi một cách nhanh chóng, hoặc khi có sự thay đổi bất thường về thị lực thì nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa mắt (bác sĩ nhãn khoa) vì điều trị bệnh viêm màng bồ đào càng sớm thì khả năng thành công càng cao.

VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN BẰNG CÁCH NÀO?

Thông thường, tình trạng này được bác sĩ nhãn khoa chẩn đoán. Bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành thăm khám mắt toàn diện. Việc thăm khám có thể bao gồm:

  • Kiểm tra thị lực bằng bảng đo thị lực;
  • Thăm khám bằng đèn soi để quan sát bên trong mắt (đèn soi đáy mắt hoặc đèn khe sinh hiển vi). Thuốc nhỏ mắt có thể được sử dụng để làm mở rộng (giãn) đồng tử giúp quan sát bên trong mắt dễ dàng;
  • Kiểm tra nhãn áp.

Bệnh nhân có thể cần phải thực hiện thêm các khảo sát, đặc biệt là khi bác sĩ nhãn khoa nghi ngờ có các vấn đề tiềm ẩn, nếu đã phát hiện từng có các đợt viêm màng bồ đào trước đây, hoặc đợt viêm màng bồ đào lần này nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến cả hai mắt. Các khảo sát này có thể bao gồm chụp cắt lớp đáy mắt , là kỹ thuật chụp các hình ảnh đặc biệt của mắt, xét nghiệm máu và cũng có thể chụp X-quang.

Bệnh nhân có thể phải gặp các bác sĩ chuyên khoa để giúp xác định các tình trạng tiềm ẩn.

VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Việc điều trị viêm màng bồ đào giúp giảm đau và khó chịu trong mắt, chữa trị các nguyên nhân  tiềm ẩn (nếu có) và giảm viêm. Việc này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất thị lực vĩnh viễn hoặc các biến chứng khác. Việc điều trị thường bao gồm:

Thuốc nhỏ mắt có chứa steroid

  • Thuốc nhỏ mắt có chứa steroid thường được dùng để giảm viêm khi bị viêm màng bồ đào. Loại thuốc nhỏ mắt này dùng điều trị chính cho viêm màng bồ đào và có thể là loại thuốc điều trị duy nhất cho các đợt tấn công nhẹ. Ví dụ về các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroid bao gồm thuốc nhỏ mắt prednisolone và
  • Mặc dù thuốc nhỏ mắt chứa steroid thường mang lại hiệu quả tốt, nhưng trong một số trường hợp vẫn xảy ra các tác dụng phụ và đôi khi rất nghiêm trọng. Vì vậy, thuốc nhỏ mắt chứa steroid thường chỉ được bác sĩ nhãn khoa kê toa và theo dõi tình trạng này. Điều quan trọng là trước khi sử dụng steroid phải đảm bảo người bệnh không bị nhiễm vi rút herpes simplex (còn gọi là vi rút gây bệnh giộp môi) ở mắt .
  • Các tác dụng phụ đôi khi có thể xảy ra bao gồm loét giác mạc, tình trạng này có thể gây đau nhiều và ảnh hưởng đến thị lực. Nếu sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa steroid trong một thời gian dài, thuốc có thể làm mờ thể thủy tinh (đục thủy tinh thể) hoặc tăng nhãn áp bên trong mắt (bệnh glaucoma).

Các phương pháp điều trị giảm đau và giảm khó chịu

  • Thuốc nhỏ mắt Cycloplegic: thuốc nhỏ mắt liệt điều tiết giúp giảm đau bằng cách làm mở rộng (làm giãn) đồng tử bên trong mắt để cơ trong thể mi được thư giãn. Như vậy, mống mắt bị viêm có thể được nghỉ ngơi và phục hồi. Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt có một số tác dụng phụ là có thể làm cho đồng tử mở lớn, mắt bị mờ tạm thời và khó tập trung. Khi thuốc hết tác dụng thì các tác dụng phụ này sẽ biến mất. Nếu không sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt này, tình trạng viêm mống mắt có thể làm cho mống mắt dính vào thể thủy tinh và gây sẹo vĩnh viễn.
  • Kính râm: nếu có các triệu chứng nhạy cảm ánh sáng chói (chứng sợ ánh sáng), thì việc mang kính râm có thể giúp giảm triệu chứng này.
  • Thuốc giảm đau: các loại thuốc giảm đau như paracetamol cũng có thể mang lại hiệu quả.

Thuốc steroid đường uống hoặc đường tiêm

  • Trong trường hợp viêm màng bồ đào nghiêm trọng, đôi khi phải tiêm thuốc steroids vào bên trong hoặc xung quanh mắt.
  • Ngoài ra, thuốc có thể được dùng qua đường uống. Các loại thuốc steroid có thể có tác dụng phụ khi sử dụng quá một tuần. Các tác dụng này bao gồm làm ‘mỏng’ xương (loãng xương), mỏng da, tăng cân, teo cơ và thường làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Thuốc ức chế miễn dịch

  • Khi cần điều trị viêm màng bồ đào bằng steroid trong thời gian lâu hơn, có thể phải dùng thêm loại thuốc thứ hai gọi là thuốc ức chế miễn dịch.
  • Thuốc này có thể giúp giảm lượng steroids cần thiết và/hoặc giúp kiểm soát tình trạng viêm màng bồ đào nếu thuốc steroid không mang lại hiệu quả.

Điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn

  • Nếu có các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh viêm màng bồ đào, cần phải điều trị các nguyên nhân này (nếu có thể).
  • Điều này có nghĩa là phải điều trị bất kỳ bệnh tự miễn, bệnh gây viêm hoặc tình trạng nhiễm khuẩn tiềm ẩn nào.

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO

Bệnh viêm màng bồ đào nếu không được điều trị nhanh chóng thì có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra các biến chứng như tăng nhãn áp bên trong mắt (bệnh glaucoma). Các biến chứng này có thể tự gây ảnh hưởng đến thị lực. Nếu không phát hiện sớm các biến chứng thì đôi khi có thể gây tác hại cho mắt nhiều hơn bệnh viêm màng bồ đào tiềm ẩn.

Các biến chứng của bệnh viêm màng bồ đào có thể do ảnh hưởng của tình trạng viêm bên trong mắt. Một trong số biến chứng này có thể do phương pháp điều trị để kiểm soát tình trạng viêm bằng steroid gây ra. Mặc dù vậy, như một nguyên tắc chung, việc dùng steroid đủ liều để kiểm soát bệnh viêm màng bồ đào thường sẽ cho kết quả tốt hơn khi sử dụng quá ít steroid và không kiểm soát được tình trạng viêm. Đôi khi, các biến chứng của bệnh viêm màng bồ đào có thể xảy ra bao gồm:

  • Dính mống mắt: tình trạng “dính” các “dải” mô có thể hình thành giữa mống mắt và thể thủy tinh do viêm. Thuốc nhỏ mắt có tác dụng mở rộng (làm giãn) đồng tử sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng dính mống mắt;
  • Bệnh glaucoma: tình trạng viêm mắt có thể làm cho nhãn áp bên trong mắt tăng và gây bệnh glaucoma. Việc sử dụng steroids cũng có thể làm tăng nhãn áp đột ngột, đặc biệt nếu bạn đã bị bệnh glaucoma. Nếu không được điều trị, bệnh glaucoma có thể gây mất thị lực;
  • Phù hoàng điểm: đây là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng tích tụ dịch phía sau mắt quanh hoàng điểm trên võng mạc. Tình trạng này có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Ngoài ra, các lỗ có thể hình thành trên hoàng điểm gây mất thị lực một số điểm trên võng mạc.
  • Đục thủy tinh thể: tình trạng viêm mắt có thể làm mờ thể thủy tinh (đục thủy tinh thể). Ngoài ra, đục thủy tinh thể còn có thể do dùng thuốc steroid kéo dài. Nếu tình trạng đục thủy tinh thể ngày càng chuyển biến xấu và không được điều trị thì có thể gây mất thị lực;
  • Bong võng mạc: tình trạng viêm có thể làm cho võng mạc bị ‘co rút’, sau đó ‘tách rời” hoặc bị bong ra khỏi các mạch máu bên dưới. Tình trạng này có thể làm cho bạn thấy có ánh sáng nhấp nháy, hiện tượng ruồi bay và các vấn đề về thị lực. Khi nghi ngờ bị tình trạng bong võng mạc, hãy liên hệ với bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức vì thông thường việc điều trị khẩn cấp là cần thiết.

TRIỂN VỌNG (TIÊN LƯỢNG) VỀ BỆNH VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO RA SAO?

Thông thường, bệnh viêm màng bồ đào nếu được điều trị càng sớm thì triển vọng càng cao và bệnh càng nhanh khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát, đặc biệt nếu có liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn như bệnh gây viêm hoặc tự miễn.

Bệnh viêm màng bồ đào đôi khi có thể kéo dài (mãn tính) mặc dù đã được điều trị sớm và đầy đủ.

Một số người bị bệnh viêm màng bồ đào tái phát phải học cách nhận biết các triệu chứng. Đôi khi, những người này sẽ được chỉ định các loại thuốc nhỏ mắt chứa steroid để dự phòng và bắt đầu sử dụng khi các triệu chứng thông thường tái phát. Những người bị viêm màng bồ đào mãn tính hoặc tái phát thường phải được điều trị dài hạn với bác sĩ nhãn khoa hoặc kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại phòng khám ngoại trú.

Viêm màng bồ đào do nhiễm trùng thường tự khỏi khi tình trạng nhiễm trùng được điều trị và không tái phát.

Zalo