Tin tức

Anh Phan Văn Bình – Kỹ thuật viên xạ trị FV đạt giải bài báo cáo hay nhất tại Hội nghị kỹ thuật điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam lần thứ 7

Bệnh viện FV tham dự Hội Nghị Khoa Học Lần Thứ 7 do Hội Kỹ Thuật Điện Quang và Y Học Hạt Nhân Việt Nam tổ chức vào ngày 23.8 và 24.8.2019 tại Trung tâm Hội nghị Ariyana – Đà Nẵng, Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng Bệnh viện FV đã đạt giải bài báo cáo hay nhất trong phiên báo cáo về xạ trị và y học hạt nhân với nội dung: “Giới thiệu kỹ thuật kiểm soát di động trong xạ trị và kinh nghiệm sử dụng máy điều phối nhịp thở tích cực (ABC) tại bệnh viện FV”. Bài báo cáo do anh Phan Văn Bình – Kỹ thuật viên xạ trị của Trung tâm trình bày đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khách mời bởi những lợi ích thiết thực mang đến cho người bệnh trong điều trị ung thư.

Với chủ đề “ Đào tạo, cập nhật kiến thức Kỹ thuật Điện quang và Y học Hạt nhân vì sự an toàn của người bệnh”, chương trình năm nay có 58 bài báo cáo của các diễn giả. Ban tổ chức dành ra 3 giải thưởng cho 3 bài báo cáo hay nhất theo hạng mục: Chẩn đoán, Xạ trị và Y học Hạt nhân.

Bằng kinh nghiệm thực tế điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng, anh Phan Văn Bình đã trình bày trong bài báo cáo của mình về kỹ thuật xạ trị theo nhịp thở với hệ thống điều phối nhịp thở ABC  (Active Breathing Coordinator). Bài thuyết trình kèm theo video clip minh họa giúp cho người xem dễ hình dung về kỹ thuật mới, hiện chỉ áp dụng tại Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng của Bệnh viện FV và một số ít bệnh viện tại Việt Nam. Ưu điểm của kỹ thuật mới này nhằm mang đến kết quả xạ trị tốt nhất, chính xác nhất cho bệnh nhân. Điểm hạn chế của kỹ thuật này là quy trình xạ trị cần nhiều thời gian hơn do các kỹ thuật viên xạ trị cần giải thích và tập thở cho bệnh nhân, họ phải được hướng dẫn cách phối hợp nhịp thở để phù hợp với kế hoạch điều trị . Tại Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng, nhân viên y tế luôn dành nhiều thời gian để giải thích và hướng dẫn cho bệnh nhân trước khi thực hiện. Sau cùng, anh kết luận bằng thông điệp: “Dù có nhiều thiết bị và kỹ thuật y khoa mới nhưng chúng ta không thể làm việc phụ thuộc vào máy móc 100% mà thiếu đi sự chuyên tâm của nhân viên y tế trong điều trị cho bệnh nhân. Đối với khâu xạ trị, kỹ thuật viên càng phải kiểm tra máy móc thường xuyên, theo dõi kỹ càng từng bước để đảm bảo độ chính xác cao nhất” .

Bài báo cáo của anh Phan Văn Bình đã nhận được sự quan tâm và tương tác của nhiều đồng nghiệp trong hội trường. Một số chuyên gia giàu kinh nghiệm đang làm việc tại nước ngoài – những nơi đã áp dụng kỹ thuật này – đã chia sẻ và gợi ý phần hướng dẫn có thể cho bệnh nhân tập trước tại nhà để rút ngắn thời gian thực hiện. Với cách trình bày chi tiết, dễ hiểu và mang đến những lợi ích lớn lao cho người bệnh, anh Phan Văn Bình đã vinh dự đạt giải bài báo cáo hay nhất trong lĩnh vực Xạ trị tại Hội Nghị Khoa Học năm nay.

Anh Bình cho biết thêm, hiện nay trên thế giới có rất nhiều kỹ thuật mới trong xạ trị đã được  triển khai ở các nước phát triển. Trong thời gian gần nhất, tại Việt Nam nói chung và Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng của Bệnh viện FV nói riêng sẽ liên tục cập nhật và đưa vào áp dụng để mang đến lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân. Một lần nữa xin được chúc mừng anh và mong chờ những bài báo cáo tiếp theo.

Hội kỹ thuật điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam được thành lập từ năm 2013. Hiện nay, Hội đang là thành viên của Hội kỹ thuật Điện quang  thế giới (ISRRT). Tại Việt Nam, Hội có gần 1000 thành viên bao gồm nhiều kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm. Hội đã tổ chức Hội nghị khoa học hàng năm ở nhiều thành phố lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỗi lần Đại hội đều có báo cáo khoa học của Hội viên trong nước và chuyên viên nước ngoài như Pháp, Mỹ,  Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar…

Hội Nghị Khoa Học Lần Thứ 7 cũng là buổi Hội nghị khu vực 3 nước Việt Nam, Myanmar và Philippines lần thứ 5. Hội nghị là nơi để tổng kết các thành tựu trong hoạt động chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, Y học hạt nhân và Xạ trị thông qua các công trình nghiên cứu khoa học mới nhất cũng như các chuyên đề liên quan do các chuyên gia, giáo sư, bác sĩ, kỹ thuật viên trong và ngoài nước trình bày.

ANH PHAN VĂN BÌNH – MỘT  KỸ THUẬT VIÊN HAM HỌC HỎI

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Tp.HCM về chuyên ngành Kỹ thuật Hình ảnh y học, anh Bình nhanh chóng gia nhập Bệnh viện FV để được áp dụng thực tế kiến thức đã học vào việc xạ trị cho bệnh nhân. Chỉ 4 tháng sau, anh tạm dừng công việc để du học Đài Loan nhận học bổng Thạc sĩ đào tạo về Kỹ thuật Hình ảnh và Xạ trị. Sau khi hoàn tất khóa học, anh trở lại FV trong vai trò một kỹ thuật viên xạ trị.Càng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân qua các lần xạ trị,  anh càng nhận ra mối quan hệ đầy tính nhân văn giữa nhân viên y tế và bệnh nhân ung thư. Từ đó, họ tin tưởng và chia sẻ với nhân viên nhiều thứ về cuộc sống của mình. Rõ ràng, bệnh nhân vui vẻ và cởi mở đó chính là liều thuốc tinh thần tiếp thêm động lực cho họ vượt qua quá trình điều trị.

Ghi chú: (*) Tên tiếng Anh của bài báo cáo Introduction to Motion Management in Radiotherapy with Active Breathing Coordinator (ABC) experience at FV Hospital

Zalo