Tin tức

Bác Sĩ Diệc Khả Hân – Thích Trò Chuyện Với Bệnh Nhân Để Hiểu Hơn Về Căn Bệnh

Nền y học cổ truyền tại Việt Nam có lịch sử hơn ngàn năm, nhưng vẫn luôn tồn tại nhiều điều cần khám phá về dược liệu, hay phương pháp điều trị. Những ẩn số đó, cùng xu hướng phát triển của y học cổ truyền trong nước vào đầu thế kỷ 21, đã thôi thúc bác sĩ Diệc Khả Hân (Trưởng khoa Y học Cổ truyền – Bệnh viện FV)  đến với nền y học lâu đời này.

Từ niềm đam mê ban đầu với ngành Y

Khi đang học năm thứ hai ngành Sinh học tại Đại học Khoa học Tự Nhiên – ĐHQG Tp.HCM, cô sinh viên Diệc Khả Hân với ý muốn thôi thúc được tự chữa bệnh cho những người xung quanh, đặc biệt là người thân đã quyết định tìm đến ngành y. Những năm 2000, ngành y học cổ truyền trong nước đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh, với nhiều bệnh viện được thành lập đã thu hút cô sinh viên ấy tham gia học tại khoa Y học Cổ truyền – Đại học Y Dược TPHCM.

Ngành y, với những vất vả như thức đêm, giờ giấc bất ổn, bận rộn, thường xuyên tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm,.. cô không được gia đình ủng hộ theo con đường nhiều gian nan này. Bác sĩ Hân nhớ lại: “Hồi đó ba mẹ không cho nhưng tôi quá thích học y, thậm chí còn xin cho học bất cứ ngành nào liên quan tới y cũng được”. Tuy phản đối nhưng gia đình bác sĩ Khả Hân vẫn âm thầm hỗ trợ ước mơ của cô trong suốt 6 năm theo học.

Nền Y học Cổ truyền hầu như dựa trên những học thuyết khá trừu tượng, nên ban đầu khi tiếp cận bác sĩ Hân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, theo học tại Khoa Y học Cổ truyền thuộc Đại học Y Dược Tp.HCM, một trong những nơi được đánh giá cao về chất lượng và uy tín nhất tại Việt Nam trong đào tạo chuyên ngành này, theo cô cũng là một may mắn. Được tiếp xúc và học tập với nhiều “cây đại thụ” trong lĩnh vực đông y như TTƯT.GS.TS. Trần Văn Kỳ, GS.TS Phan Quan Chí Hiếu, PGS.TS. Nguyễn Thị Bay,… đã giúp bác sĩ Hân vượt qua những khó khăn ban đầu và thêm yêu thích nền y học của dân tộc hơn. “Từ quan sát, lắng nghe, chẩn mạch hay hỏi về tình chí (biểu hiện bên ngoài của hoạt động tạng phủ) của bệnh nhân có thể giúp người thầy thuốc tìm ra nguyên nhân gây bệnh, tôi thấy điều đó rất thú vị với mình”, bác sĩ Hân chia sẻ thêm.

Cùng những hoài bão tuổi trẻ

Những chuyến đi khám bệnh ở vùng sâu, vùng xa từ thời sinh viên đã lưu một dấu ấn sâu đậm về nghề y trong lòng bác sĩ Hân. Không chỉ là niềm vui được giúp đỡ cộng đồng, sự trau dồi tay nghề, mà các chuyến đi còn là dịp để cô bác sĩ trẻ học hỏi nhiều điều. Y học trong dân gian vẫn còn nhiều bài thuốc, phương pháp đặc thù của từng vùng miền mà cứ mỗi lần đi là mỗi lần bác sĩ được khảo nghiệm thực tế và ghi chép cho những nghiên cứu của bản thân sau này. “Nhiều người ở vùng xa mắc bệnh mạn tính nhưng không có điều kiện đi khám, tôi hướng dẫn họ cách sử dụng cây thuốc xung quanh để trị bệnh”, bác sĩ Hân chia sẻ.

Chị thích nhất là trò chuyện với người bệnh, lắng nghe mong muốn của họ, chia sẻ không chỉ đơn thuần là câu chuyện của y học, mà còn là những chuyện nhỏ, chuyện vui buồn nào đó của cuộc sống bên ngoài phòng bệnh. Đối với y học xưa, giữ cho bệnh nhân một cái tâm yên bình, một sự tin tưởng và cảm thông được với những khó khăn của người thầy thuốc, cũng là một phương pháp hữu hiệu trong điều trị.

Trong y huấn của Lương y Lê Hữu Trác, ông nói người nghèo thì không đủ sức đón thầy giỏi, do vậy người lương y phải tiếp nhận họ như những người giàu có, vì chỉ cần thầy thuốc “để tâm một chút thì họ sẽ được sống một đời”. Cuộc đời của nhiều người bệnh đã thay đổi, cuộc đời của vị bác sĩ trẻ ngày đó cũng đẹp hơn từng ngày.

dr-diec-kha-han-tro-truyen-voi-benh-nhanh-y-hoc-co-truyen-fv.jpg

Đến một người thầy thuốc tận tâm vì bệnh nhân

Hơn 15 năm hành nghề y với rất nhiều niềm vui và nỗi buồn, nhưng bác sĩ Diệc Khả Hân vẫn giữ hoài bão thời trẻ như phương châm làm việc của mình. Tuy biết là khó, nhưng chị vẫn không thích làm gì khác ngoài làm bác sĩ. Cứ thế, bác sĩ Hân miệt mài làm việc với niềm tin mỗi người bệnh khi tìm đến mình đều sẽ nhận được sự giúp đỡ ân cần nhất.

Y đạo là một con đường phải vừa đi vừa học hỏi liên tục. Có những bệnh lý cần sử dụng ưu thế của y học hiện đại như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm để có hướng điều trị đúng. Cũng có những loại bệnh chỉ cần dựa vào y lý của y học cổ truyền. Điều này làm cho bác sĩ Hân cảm thấy may mắn trong quyết định chọn nghề ngày xưa. Được đào tạo cả 2 nền y học đã giúp chị mở rộng khả năng giúp đỡ cho nhiều người hơn. “Tôi hy vọng sẽ cùng FV xây dựng một khoa Y học Cổ truyền vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại”, bác sĩ Hân chia sẻ trước khi kết thúc buổi trò chuyện.

Nhìn qua sổ tay bác sĩ Hân đang lật giở trên bàn, thấy chị tỉ mỉ ghi chép lại tất cả bệnh án. Dù tại Bệnh viện FV các bác sĩ được hỗ trợ rất đắc lực từ hệ thống thông tin, cũng như từ các thư ký y khoa, nhưng trong sổ tay được chia hàng, chia cột đó cũng không thiếu chi tiết quan trọng nào về các bệnh nhân. Cái cách nhỏ nhẹ, hiền hòa và chu đáo đó, có thể làm người đối diện cảm nhận được sự phù hợp của chị, khi xuất hiện trong bức tranh ngành y.

Zalo