Tin tức

Câu chuyện 'Đứng trước sinh tử' - Kỳ 3: Bệnh viện FV: Y đức là ‘soi’ những gì bệnh nhân không nhìn thấy

“Ở bệnh viện này không có thuốc giả” – ai dám cam kết điều đó? Riêng Tổng giám đốc Bệnh viện FV Jean-Marcel Guillon khẳng định chắc như đinh đóng cột. Ánh mắt quả quyết của ông thôi thúc tôi vào Khoa Dược FV.

Theo như lời ông Guillon thì thuốc giả mà lọt được vào bệnh viện là do không có quy trình tốt quản lý thuốc. “Quy trình tốt” gây được lòng tin chắc chắn với vị bác sĩ nổi tiếng kỹ lưỡng Guillon là gì? JCI – con dấu vàng mà tất cả các bệnh viện đẳng cấp trên thế giới đều mong muốn đạt được.

Trên thế giới có nhiều chuẩn đánh giá bệnh viện theo những tiêu chí và những ưu tiên khác nhau. Riêng với JCI, ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của bệnh nhân – một tiêu chí kéo theo hàng loạt yêu cầu cực kỳ khắt khe khác, trong đó có quản lý thuốc. Đó là lý do vì sao lãnh đạo FV khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng Bệnh viện FV không có thuốc giả. Là một nhà quản lý tài ba kiêm một bác sĩ đầy nhiệt huyết, ông Guillon đã đổi lấy sự an tâm bằng cách chuẩn hóa tất cả mọi quy trình, mọi hoạt động trong bệnh viện với kim chỉ nam mà xưa nay ông vẫn luôn nhìn vào đó: an toàn bệnh nhân.

Cả chục đôi mắt “soi” từng viên thuốc

FV đẹp, rất đẹp! FV sạch, rất sạch! FV có đội ngũ bác sĩ rất thân thiện! Và theo thời gian, bệnh nhân nhận ra đó là đội ngũ bác sĩ giỏi, rất giỏi! Nhưng làm sao để bệnh nhân an tâm rằng mỗi viên thuốc nhận từ FV đều là thuốc thật? Có lẽ không ai có thể tìm hiểu thấu đáo điều này, họ chỉ đặt niềm tin vào nơi mà họ đã nhìn thấy và tin từ những giá trị hữu hình.

Bản thân tôi quyết tâm tìm hiểu để rồi vô cùng bất ngờ về một quy trình đồ sộ mà chi li đến từng tiểu tiết, kiểm tra kỹ lưỡng đường đi nước bước của từng viên thuốc trước khi đến tay bệnh nhân. Quy trình đó không chỉ để đảm bảo tất cả đều là thuốc thật mà quan trọng hơn cả, đảm bảo đó là viên thuốc chính xác nhất mà bệnh nhân cần uống, là viên thuốc “đáng đồng tiền bát gạo” cho từng người.

Trưởng khoa Dược Bệnh viện FV, ông Mohd Fazli Shuib cho tôi xem phiếu đề nghị của bác sĩ gửi tới khoa dược mỗi khi yêu cầu bổ sung một loại thuốc mới vào danh mục thuốc, gồm rất nhiều mục giải thích lý do vì sao đề nghị, đánh giá ưu nhược điểm, mức độ an toàn của thuốc… Tại khoa dược, dược sĩ đánh giá thuốc dựa trên bộ quy chuẩn từ 10 – 15 tiêu chí tùy loại, bao gồm các hồ sơ đăng ký của thuốc (đã được đăng ký ở những nước nào), hồ sơ an toàn của thuốc (từng có báo cáo nào về phản ứng phụ, độc tính, từng có thu hồi nào hay chưa…), so sánh hiệu quả về mặt chi phí với các thuốc cùng nhóm khác xem loại nào có lợi cho bệnh nhân nhất… Dược sĩ làm việc kỹ lưỡng dựa trên những nghiên cứu lâm sàng, các nguồn tham khảo của bên thứ 3 độc lập với nhà sản xuất, chẳng hạn như từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Qua” được tất cả các quy trình trên, năng lực của nhà cung cấp thuốc sẽ được đánh giá bởi một hội đồng của FV. Một phần trong quy trình đó là đến tận nhà máy của nhà cung cấp kiểm tra hệ thống vận hành, lưu trữ thông tin, thuốc. Với những loại thuốc có điều kiện lưu trữ đặc biệt như vaccine, quá trình lưu trữ trong lúc vận chuyển cũng được FV “soi” từng bước một.

Sau khi đã nắm rõ tất cả các thông tin kể trên, cứ mỗi 2 tháng, Hội đồng thuốc và vật tư y tế tiêu hao của FV – bao gồm giám đốc y khoa, trưởng khoa dược, đại diện bác sĩ, điều dưỡng, Phòng Quản lý chất lượng JCI… – cùng xét duyệt từng loại thuốc để quyết định có đưa vào danh mục thuốc hay không.

“Soi” nhau để tin nhau

Tin nhau bằng cách “soi” nhau là văn hóa của FV: mỗi cá nhân đều phải nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để được tin tưởng. Quyết định của mỗi người đều được hỗ trợ, cùng lúc được kiểm tra chéo bởi đồng nghiệp, các quản lý trực tiếp, ban giám đốc bệnh viện – cũng thông qua một quy trình đã được chuẩn hóa không thể che giấu.

Còn một đôi mắt khác: JCI. Chứng nhận JCI chỉ có giá trị trong 3 năm. Sau quãng thời gian đó, JCI sẽ đến tận bệnh viện thẩm định lại và chỉ gia hạn thêm 3 năm nữa nếu bệnh viện duy trì đúng tiêu chuẩn đã đạt được. Sau mỗi 3 năm cũng là lúc JCI áp thêm những tiêu chuẩn mới, càng ngày càng khắt khe hơn lên bệnh viện. JCI có thể đến kiểm tra bệnh viện vào bất cứ lúc nào, không cần báo trước. Họ sẽ tước bỏ JCI ngay lập tức nếu bệnh viện vi phạm dù chỉ 1 tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, khi có bất cứ sự cố nghiêm trọng nào xảy ra, bệnh viện có nghĩa vụ phải báo cáo cho JCI và nêu hướng giải quyết. Nếu bệnh viện không báo cáo mà bị JCI phát hiện, chứng nhận JCI cũng bị tước bỏ ngay lập tức. Nếu sự cố có liên quan đến dược phẩm, từng bước nhỏ nhất trong đường đi của một viên thuốc bất kỳ sẽ bị truy ngược lại. Điều đó có nghĩa FV có thể bị thu hồi JCI chỉ vì một viên thuốc không an toàn! Từng bác sĩ, y tá, lao công… của FV hiểu rõ điều đó. Có lẽ vì thế mà ông Fazli nhớ rất rõ lời chia sẻ của Tổng giám đốc Guillon với nhân viên: “Tôi chắc rằng bạn không muốn trở thành người phải chịu trách nhiệm cho việc bệnh viện thất bại trong chứng chỉ JCI hoặc thất bại trong đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”. FV là thế: JCI hay bất kỳ tiêu chuẩn gì khác cũng vì một mục tiêu tối thượng như một văn hóa lâu đời đã ăn sâu vào máu thịt từng nhân viên: an toàn cho bệnh nhân là trên hết!

“FV không bao giờ hài lòng”

Đường đi nước bước của từng viên thuốc từ Khoa Dược FV đến tay bệnh nhân cũng được kiểm tra kỹ như thế qua một quy trình kiểm tra chéo, từ lúc bác sĩ vừa hoàn thành toa thuốc trên máy tính, chưa in ra thì đã có nhiều đôi mắt trong khoa dược và phần mềm quản lý thuốc cùng “soi” liều lượng, chỉ định, thành phần, phản ứng phụ… Bất kỳ một sai sót hoặc đôi khi chỉ là một sự thiếu hoàn thiện nào trong toa thuốc, nhiều người sẽ cùng chịu trách nhiệm chung. Rủi ro vì thế được giảm đến mức tối thiểu.

Vẫn chưa đủ. Ông Fazli còn đang cho thử nghiệm thêm một phần mềm cảnh báo các loại thuốc tương tác với nhau trên hệ thống khi bác sĩ còn đang trong quá trình kê toa. Bên cạnh đó là hệ thống quét mã vạch của bệnh nhân nội trú với mã vạch trên thuốc – thêm một công cụ kiểm tra để đảm bảo điều dưỡng cho bệnh nhân uống đúng thuốc đã được bác sĩ kê toa. Nghe ông trưởng khoa thạo công nghệ thông tin say sưa giới thiệu, tôi chợt nhớ đến câu nói của bác sĩ Guillon trong một cuộc phỏng vấn trước đó:

 
“Ở FV, chúng tôi không bao giờ hài lòng với chính mình”.

Bệnh nhân không nhìn thấy tất cả những quy trình vô cùng chặt chẽ kể trên nhưng ông Fazli và 40 con người trong khoa dược biết rõ an toàn thuốc là an toàn cho bệnh nhân, sai sót thuốc có thể đánh đổi bằng sinh mạng, bằng sức khỏe bệnh nhân. Y đức với họ là theo sát từng quy trình nhỏ nhặt nhất dẫu bệnh nhân có nhìn thấy hay không.

Link bài báo: https://thanhnien.vn/suc-khoe/benh-vien-fv-y-duc-la-soi-nhung-gi-benh-nhan-khong-nhin-thay-904256.html

Zalo