Tin tức

Cứu sống bé trai tắc ruột, thủng tá tràng - đại tràng do nuốt phải khối kim loại bị nam châm hút chặt

“Là một người mẹ, ban đầu khi nghe bác sĩ nói bé nuốt dị vật thì cũng nghĩ đơn giản giống như các trường hợp tôi hay xem trên báo đài. Nhưng mà, gia đình tôi không ngờ P lại nặng đến vậy…” nói đến đây thì nước mắt của chị M.T liên tục rơi và giọng bắt đầu lạc đi.

Đây là câu chuyện của mẹ bé C.H.P (9 tuổi, ở TP HCM) vừa được bác sĩ Lê Đức Tuấn khoa Ngoại tổng quát FV phẫu thuật thành công do vô tình nuốt phải các ốc vít loại nhỏ cùng một thỏi nam châm, vì vậy các dị vật bị nuốt đã hút chặt vào nhau tạo thành một khối lớn, gây tắc ruột của bệnh nhân.

Theo gia đình, trước khi nhập viện, bé đau bụng, nôn nhiều dẫn đến mất nước. Gia đình lập tức cho bé đến khoa Nhi – Bệnh viện FV khám và nhập viện để truyền nước. Tại đây, bác sĩ cho P làm siêu âm nhưng hình ảnh vẫn chưa thể hiện rõ tổn thương nên em được chỉ định chụp thêm MRI để quan sát tốt hơn. Kết quả cho thấy, có một khối dị vật gây tắc ruột của bé nhưng chưa chẩn đoán được cụ thể là gì.

Các dị vật bị hút chặt vào nhau tạo thành một khối trong ruột của bệnh nhân

Sau đó, P được nội soi ổ bụng, kết quả quan sát ổ bụng cho thấy ruột non bị tắc, dịch ổ bụng vàng trong và ruột non – đại tràng – tá tràng bị dính thành một khối. Bác sĩ Lê Đức Tuấn quyết định mổ hở dưới mê. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ Tuấn phát hiện nhiều ốc vít loại nhỏ bị nam châm dính vào nhau khiến ruột non bị dính ba vị trí gây xoắn làm tắc nghẽn ruột. Đồng thời, gây thủng tá tràng và đại tràng do dị vật xuyên qua. Bác sĩ đã loại bỏ dị vật, khâu kín vị trí ruột thủng, bơm rửa sạch ổ bụng, sau đó tiến hành đặt dẫn lưu, đặt sonde nuôi ăn qua dạ dày và đưa đoạn đại tràng có lỗ thủng ra làm hậu môn nhân tạo trong 14 ngày. Ca mổ kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ và thành công tốt đẹp. Sau mổ, tình trạng sức khỏe P ổn định và được rút hậu môn nhân tạo sau 1 tháng.

Là người trực tiếp phẫu thuật cho P, bác sĩ Lê Đức Tuấn cho biết, quá trình chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật cho bệnh nhân có nhiều trở ngại vì bệnh nhân còn nhỏ tuổi nên sức chịu đựng kém hơn người trưởng thành, bị dị ứng kháng sinh và lại bị thủng đa cơ quan quan trọng như: tá tràng, đại tràng và dạ dày nếu không xử lí kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhờ sự phối hợp liên chuyên khoa nhịp nhàng giữa khoa Nội, khoa Ngoại, khoa Nhi, khoa Dinh dưỡng & Tiết chế và khoa Chẩn đoán hình ảnh nên bé đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

Nhìn thấy P khỏe mạnh trở lại, ba mẹ của P rất mừng và gửi lời cảm ơn chân thành đến bác sĩ Tuấn và êkip

Thấy con khỏe mạnh trở lại từ cánh cửa tử thần, ba mẹ của P rất mừng cho biết:“Một lời “cảm ơn” không thể chuyển tải hết những ơn nghĩa mà bác sĩ Tuấn mang lại cho gia đình chúng tôi. Thực sự chúng tôi trân trọng và rất biết ơn vì bác sĩ Tuấn đã luôn tỉ mỉ, thận trọng và nhẹ nhàng trong mọi thao tác từ thăm khám, tư vấn cho đến khâu thực hiện thủ thuật. Bên cạnh đó, ê-kip phẫu thuật và đội ngũ chăm sóc sau mổ của FV cũng làm quá tốt và tận tâm nên bé nhà tôi đã gần như được hồi sinh. Bây giờ nhìn hình ảnh các dị vật của bé tôi thấy bình thường, chứ lúc bác sĩ đưa hình tôi không dám nhìn, sau đó có nhìn mà thấy lạnh hết sống lưng và bất giác nổi da gà. Tôi không dám nghĩ nếu bé phát hiện và phẫu thuật chậm trễ thêm chút nữa thì hậu quả sẽ ra sao. Nhất là trong lúc dịch Covid-19 đang đỉnh điểm, gia đình tôi không biết đưa bé đi đâu ngoài FV một phần vì gần nhà, phần vì theo tôi tìm hiểu thì môi trường thăm khám ở đây cực kì sạch sẽ chuẩn quốc tế nên sẽ an toàn hơn cho bé”.

Bác sĩ Lê Đức Tuấn – Bác sĩ điều trị cấp cao, khoa Ngoại Tổng Quát FV

Theo bác sĩ Lê Đức Tuấn, nuốt dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ do bản tính hiếu kỳ, thích khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, trường hợp trẻ nuốt phải đồ chơi kim loại cùng với nam châm như trên lại đặc biệt nguy hiểm. Do nam châm mang từ tính nên sẽ hút các kim loại khác. Chính vì vậy, khi trẻ nuốt kim loại cùng châm chúng sẽ có xu hướng tự hút dính vào nhau, dọc theo đường tiêu hóa ở các đoạn ruột khác nhau và không di chuyển tiếp, gây tắc và tạo sức ép lên thành ruột, đồng thời gây thiếu máu cục bộ, từ đó dẫn tới hoại tử và thủng ruột. Thậm chí còn có thể gây sốc nhiễm trùng, dẫn tới tử vong.

Qua trường hợp của bé C.H.P, Bệnh viện FV cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ, đồng thời kiểm tra kĩ chất lượng và số lượng đồ chơi để bảo đảm an toàn. Những trường hợp nghi ngờ nuốt dị vật, đau bụng, nôn… cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Zalo