Tin tức

Hai Bài Báo Cáo Kỹ Thuật Y Khoa Hiện Đại Đạt Giải Xuất Sắc Đến Từ Bệnh Viện FV

Hội nghị Kỹ thuật Điện quang & Y học Hạt nhân Việt Nam lần thứ XI đã diễn ra vào 2 ngày 20-21/10, tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tham dự hội nghị, Bệnh viện FV đã có 2 bài báo cáo về y học hạt nhân và xạ trị, đặc biệt cả hai phần trình bày đều nhận được giải thưởng báo cáo viên xuất sắc.

Đây là lần thứ hai sự kiện thường niên này được Chi hội độc lập tổ chức, sau 9 lần diễn ra dưới sự bảo trợ toàn diện của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam. Hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân, xạ trị ung thư, đồng thời có hàng ngàn người tham dự trực tiếp và theo dõi trên nền tảng trực tuyến.

Có tổng cộng 9 phiên trong hội nghị với 52 báo cáo khoa học trong các lĩnh vực kỹ thuật hình ảnh Y học (MRI, CT Scan, X Quang, DSA), kỹ thuật xạ trị và y học hạt nhân. Bên cạnh đó cũng có phiên dành cho sinh viên với 15 bài báo cáo khoa học.

Trong bài báo cáo “Kỹ thuật chụp xạ hình với chất đánh dấu xương 99mtc-hmdp trong chẩn đoán bệnh cơ tim hạn chế do thâm nhiễm amyloid”, anh Nguyễn Chí Tâm ( Khoa Y học Hạt nhân – Bệnh viện FV) đã chia sẻ chi tiết quy trình xạ hình đang được ứng dụng tại FV, trong việc chẩn đoán bệnh cơ tim Amyloidosis – hay còn gọi là cơ tim thoái hóa bột. Đây là một căn bệnh hiếm gặp (một phần do không được chẩn đoán), nhưng lại rất nguy hiểm. “Bằng kỹ thuật xạ hình tim, trong hơn 2 năm qua, chúng tôi đã giúp phát hiện trên 20 ca bệnh này tại FV”, anh Tâm cho biết.

Anh Nguyễn Chí Tâm, Khoa Y học Hạt nhân – Bệnh viện FV (Đứng giữa) nhận chứng nhận báo cáo viên xuất sắc

Bài báo cáo của anh Chí Tâm đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các bác sĩ, chuyên gia do phương pháp có độ nhạy (trên 85%) và độ đặc hiệu cao (99%) trong phân biệt AL và ATTR (2 nhóm nguyên nhân chính gây bệnh cơ tim thoái hóa bột). Bên cạnh đó với chi phí thấp, thủ thuật đơn giản, không xâm lấn, phương pháp xạ hình tim có thể được xem là phương án thay thế hữu hiệu cho “tiêu chuẩn vàng” – sinh thiết cơ tim, trong chẩn đoán bệnh cơ tim amyloidosis. Tuy nhiên, lĩnh vực xạ hình này vẫn đang bị “bỏ ngỏ” do thiếu sự đầu tư bài bản, mặc dù lợi ích mang lại cho bệnh nhân là rất thiết thực.

Cũng tại hội nghị, bài báo cáo “Kinh nghiệm của Kỹ thuật viên xạ trị về Xạ trị Toàn thân  (TBI) dựa trên kỹ thuật VMAT” của chị Nguyễn Thị Ngọc Kiều (Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng) cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm. TBI là kỹ thuật xạ trị hiện đại, khó thực hiện và chưa được phổ biến tại Việt Nam. TBI được chỉ định trong điều trị các bệnh lý ác tính về huyết học hoặc chuẩn bị cho người bệnh trước khi thực hiện ghép tủy. “Kỹ thuật này đã được thực hiện tại FV và chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, tăng cơ hội điều trị thành công bệnh ác tính về huyết học ”, chị Kiều chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Kiều, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng – Bệnh viện FV báo cáo và nhận chứng nhận tại hội nghị

Bài báo cáo của chị Kiều tập trung chi tiết vào quy trình chuẩn bị bệnh nhân, lập kế hoạch xạ trị chi tiết, nêu ra những khó khăn (TBI cần nhiều thời gian và nhân lực để thực hiện), cũng như các rủi ro trong quá trình thực hiện. Phần trình bày được nhiều quan tâm nhờ dựa trên kinh nghiệm thực tế ca bệnh điều trị TBI đầu tiên tại Việt Nam, được thực hiện tại Trung tâm Hy Vọng.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS.BS. Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam và GS.TS.BS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đều đánh giá cao chất lượng các bài báo cáo, ý nghĩa và tầm quan trọng của hội nghị. Các thầy cũng chúc mừng sự lớn mạnh của Chi hội Kỹ thuật Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam sau 10 năm phát triển.

Anh Phàng Đức Tín (Trưởng Đơn vị Xạ trị – Bệnh viện FV), thành viên Ban Chấp hành Chi hội Kỹ thuật Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, chia sẻ: “Các đợt hội nghị là cơ hội để các đồng nghiệp quy tụ và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong thực hành tại bệnh viện của mình. Qua đó nâng cao chuyên môn kỹ thuật, đồng thời cũng giúp tăng vị thế của lĩnh vực này”. Do đó trong nhiều năm qua, anh Tín cũng khuyến khích và hỗ trợ các đồng nghiệp tại Khoa Chẩn đoán Hình ảnh và Khoa Y học Hạt nhân tại FV, nỗ lực tham dự và báo cáo tại các hội nghị khoa học chuyên ngành, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong các kỹ thuật chẩn đoán – điều trị mới mà FV đã nỗ lực thiết lập.

Bệnh viện FV bên cạnh việc đầu tư vào trang thiết bị hiện đại, cũng đặc biệt chú trọng việc phát triển chuyên môn đồng đều cho đội ngũ lâm sàng và cận lâm sàng. Với 2 báo cáo đoạt giải xuất sắc của anh Nguyễn Chí Tâm và chị Nguyễn Thị Ngọc Kiều, phần nào đã thể hiện cam kết phát triển toàn diện của FV, trong việc tối ưu các chiến lược điều trị và mang đến kết quả tích cực hơn cho bệnh nhân.

Zalo