Chụp X-quang khớp thường quy

ĐÂY LÀ KHẢO SÁT GÌ?

Chụp X quang khớp thường quy  là một khảo sát sử dụng máy X quang có màn huỳnh quang tăng sáng và chất cản quang chứa iốt.

Chụp X quang là một kỹ thuật hình ảnh giúp bác sĩ chẩn đoán một số trường hợp bệnh lý. Bức xạ X chiếu xuyên qua bộ phận khảo sát với liều nhỏ vừa đủ và tạo nên hình ảnh các cơ quan bên trong cơ thể. X-quang là kỹ thuật lâu đời nhất nhưng vẫn thường xuyên được chỉ định trong hình ảnh y khoa.

Chiếu X quang với màn huỳnh quang tăng sáng giúp Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh có thể nhìn thấy chuyển động của cơ quan bên trong. Chất cản quang iốt khi được tiêm vào trong khớp sẽ phủ đều lên mặt trong các cấu trúc khớp, hiện lên sáng trắng giúp Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh nắm được các cấu trúc giải phẫu và hoạt động của khớp.

Hiện nay, hình ảnh đều thuộc dạng số, có thể lưu trữ, xử lý, xem lại dễ dàng và nhất là so sánh với nhau để chẩn đoán và xử trí điều trị.

THỰC HIỆN TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Hình ảnh chụp X-quang khớp giúp bác sĩ đánh giá những thay đổi trong cấu trúc và hoạt động của khớp và giúp xác định yêu cầu điều trị có thể, bao gồm phẫu thuật hoặc thay khớp gối.

Khảo sát này thường được sử dụng để phát hiện các bất thường đối với các khớp:

  • Vai
  • Cổ tay
  • Háng
  • Gối
  • Cổ chân

Người ta cũng chỉ định chụp khớp trong các bệnh lý đau và khó chịu dai dẳng ở khớp mà không giải thích được.

BỆNH NHÂN PHẢI CHUẨN BỊ GÌ?

Không cần chuẩn bị gì đặc biệt khi chụp x-quang khớp và không cần phải nhịn ăn hoặc nhịn uống.

Bệnh nhân sẽ điền vào Bảng câu hỏi và Phiếu chấp thuận trước khi khảo sát

Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ các thuốc đang sử dụng (danh sách liệt kê các thuốc), tình trạng dị ứng nếu có nhất là đối với chất cản quang iốt nếu như trước đây đã sử dụng. Bệnh nhân cũng nên thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe gần đây nhất.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu thay trang phục bằng một áo choàng và đôi khi phải gỡ bỏ các nữ trang, vật dụng kim loại mang theo vì chúng có thể cản trở tia X.

Bệnh nhân nữ cần thông báo cho Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên hình ảnh y học biết nếu nghi ngờ đang mang thai. Một số xét nghiệm hình ảnh không được thực hiện khi mang thai vì tia bức xạ có thể ảnh hưởng lên bào thai. Trong trường hợp bắt buộc phải tiến hành khảo sát, phải thực hiện một số biện pháp bảo vệ an toàn, giảm thiểu tối đa bức xạ nhiễm đến thai nhi.

KHẢO SÁT ĐƯỢC TIẾN HÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Bệnh nhân không cần thiết phải nhập viện.

Bệnh nhân được nằm lên bàn chụp X quang. Chụp một số chiều, thế của khớp để so sánh với hình ảnh sau khi đã tiêm chất cản quang.

Sau đó, vùng da quanh khớp được sát trùng một cách cẩn thận. Ðôi khi, có thể áp dụng gây tê tại chỗ. Dựa theo hình ảnh thấy được trên màn hình, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh sẽ dùng một kim tiêm mảnh, với độ dài cần thiết, đâm kim qua mặt da và đi thẳng vào trong khe khớp. Kế đó, chất cản quang, hoặc đôi khi là khí, được tiêm vào bên trong khớp. Bệnh nhân có thể cảm thấy khớp căng lên khi chất tương phản được tiêm vào. Sau khi rút kim ra, Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân cử động khớp một cách nhẹ nhàng để chất cản quang trám đều trong khớp. Các chiều, thế chụp tương tự như lúc ban đầu. Khảo sát kéo dài khoảng 30 phút.

X quang cắt lớp điện toán khớp hoặc Cộng hưởng từ khớp có thể được thực hiện ngay sau đó để đánh giá chính xác hơn về các cấu trúc bên trong khớp.

BIẾN CHỨNG GÌ CÓ THỂ XẢY RA?

Bất cứ một can thiệp nào trên cơ thể người, dù được thực hiện dưới những điều kiện an toàn tối đa, đều có thể mang nguy cơ biến chứng.

Do chất cản quang được tiêm vào trong khớp chứ không phải vào trong tĩnh mạch nên phản ứng do dị ứng rất hiếm khi xảy ra mặc dầu trong một số trường hợp, buồn nôn nhẹ cho đến biến chứng tim mạch nặng vẫn có thể gặp.

Như đối với mọi thao tác chọc dò khác, nguy cơ nhiễm trùng rất nhỏ vẫn có thể xảy ra khi đưa kim vào trong khớp. Những người thực hiện luôn thận trọng tối đa nhằm tránh nguy cơ này. Sau khi khảo sát, khớp có thể đau và sưng nhẹ. Bệnh nhân có thể chườm đá lạnh lên vùng khớp để làm giảm sưng.

Thuốc giảm đau thông thường có thể giúp cải thiện đau. Các triệu chứng trên sẽ biến mất sau 48 giờ. Nếu kéo dài hơn, bệnh nhân nên báo ngay cho Bác sĩ để chọn cách điều trị khác.

Nên hạn chế vận động khớp trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi chụp.

KẾT QUẢ RA SAO?

Ngay sau khảo sát, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh sẽ cho bệnh nhân biết một số nhận định sơ khởi. Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh sẽ nghiên cứu phân tích chi tiết các hình ảnh và viết Bản tường trình kết quả trong thời gian sớm nhất.

Kỹ thuật X quang khớp thường quy có tiêm chất tương phản trong khớp không giải đáp đầy đủ mọi câu hỏi liên quan tới các cấu trúc bên trong khớp như dây chằng, sụn chêm…Chính vì thế, hiện nay, X quang cắt lớp điện toán khớp hoặc Cộng hưởng từ khớp được chỉ định thường xuyên trong bệnh lý khớp.


BỆNH NHÂN LÊN LỊCH CHỤP X-QUANG KHỚP THƯỜNG QUY NHƯ THẾ NÀO?

Để biết thêm thông tin và sắp xếp cuộc hẹn với bác sĩ, vui lòng liên lạc khoa Chẩn đoán hình ảnh tại số (028) 54 11 34 00

Zalo