Sinh thiết phổi bằng kim dưới hướng dẫn chụp cắt lớp vi tính (CT)

SINH THIẾT PHỔI BẰNG KIM LÀ GÌ?

Chụp X-quang ngực và chụp cắt lớp vi tính ngực sẽ giúp phát hiện nhiều bất thường, nhưng khảo sát hình ảnh thường không đủ để xác định chẩn đoán. Kỹ thuật lấy mẫu bằng kim dưới hướng dẫn của CT sẽ cho phép kiểm tra bệnh phẩm dưới kính hiển vi, và kết quả thu được cung cấp nhiều thông tin giúp chẩn đoán bệnh.

Kỹ thuật sinh thiết bằng kim xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của CT là đưa kim sinh thiết xuyên qua thành ngực dưới hướng dẫn của máy CT để lấy một số mẫu mô từ khối u và khảo sát dưới kính hiển vi để xác định chẩn đoán.

Trong nhiều trường hợp, tổn thương là một khối u. Hơn một nửa số u đơn độc là lành tính, số còn lại có thể là ung thư.

Khi chỉ định sinh thiết xuyên thành ngực cho bệnh nhân, bác sĩ tin rằng các phương pháp khác như nội soi phế quản, xét nghiệm tế bào học và phân tích máu không thể giúp đưa ra chẩn đoán.

BỆNH NHÂN CẦN CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO?

Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nhịn ăn/uống trong vòng 4 giờ trước khi sinh thiết. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể uống các loại thuốc thường dùng của mình với một ít nước.

Trước khi sinh thiết bằng kim, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng và tiền sử dị ứng nếu có, đặc biệt là với thuốc tê. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc aspirin hoặc thuốc làm loãng máu ít nhất 3 ngày trước thủ thuật.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên thông báo cho bác sĩ về các bệnh lý cũng như tình trạng sức khỏe của mình gần đây.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu điền bảng câu hỏi và giấy chấp thuận trước thủ thuật.

Bệnh nhân cần thay một phần hoặc toàn bộ trang phục bằng áo choàng trong quá trình sinh thiết. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu tháo nữ trang và các vật dụng hoặc trang phục bằng kim loại có thể gây cản trở hoạt động của tia X.

Bệnh nhân nữ phải luôn thông báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên hình ảnh nếu có khả năng đang mang thai. Nhiều khảo sát hình ảnh không được thực hiện trong thai kỳ để tránh tình trạng thai nhi bị phơi nhiễm bức xạ. Nếu cần khảo sát hình ảnh, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tối đa phơi nhiễm bức xạ cho thai nhi.

Bệnh nhân nên có thân nhân hoặc bạn bè đi cùng để đưa về nhà sau khi hoàn tất thủ thuật.

THỦ THUẬT ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Các thủ thuật ít xâm lấn dưới hướng dẫn của hình ảnh như sinh thiết phổi bằng kim thường do bác sĩ chẩn đoán hình ảnh can thiệp đã được đào tạo chuyên sâu thực hiện.

Sinh thiết phổi bằng kim dưới hướng dẫn của CT thường được thực hiện trong khu điều trị nội trú.

Chụp CT khu trú được thực hiện để xác định vị trí khối u và đường vào khối u an toàn nhất. Sau khi xác định, đánh dấu vị trí đâm kim trên da. Vùng da quanh vị trí đâm kim sẽ được làm sạch và khử trùng, sau đó phủ khăn phẫu thuật vô trùng có lỗ tròn.

Thuốc tê sẽ được tiêm để làm tê vị trí đâm kim.

Khi thực hiện sinh thiết dưới hướng dẫn của CT, bệnh nhân cần phải nằm yên trên bàn chụp CT tối đa 30 phút.

Bác sĩ sẽ rạch một đường rất nhỏ trên da tại vị trí đâm kim sinh thiết.

Dưới hướng dẫn của CT, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ đâm kim vào vị trí đã đánh dấu và hướng thẳng kim vào khối u. Khi lấy các mẫu mô, bệnh nhân có thể nghe tiếng lách cách từ dụng cụ lấy mẫu. Sau khi lấy mẫu xong, bác sĩ sẽ rút kim ra và lấy các mẫu mô đã thu thập được.

Quy trình này có thể lặp lại 1 hoặc 2 lần.

Sau khi hoàn tất sinh thiết, ấn nhẹ lên vị trí đâm kim để cầm máu và băng vùng da hở.

Thủ thuật này thường hoàn tất trong vòng một giờ.

Bệnh nhân sẽ được chuyển đến khu vực theo dõi trong ít nhất 6 giờ. Bệnh nhân có thể cần chụp X-quang hoặc các khảo sát hình ảnh khác để theo dõi biến chứng.

TRẢI NGHIỆM CỦA BỆNH NHÂN TRONG VÀ SAU THỦ THUẬT?

Khi tiêm thuốc tê, bệnh nhân sẽ có cảm giác châm chích nhẹ hoặc cảm nhận được sức ép khi đâm kim sinh thiết vào. Sau một thời gian ngắn, vùng da này sẽ bị tê.

Bệnh nhân cần nằm yên và không được ho cũng như cần nín thở nhiều lần ở cùng tư thế trong quá trình sinh thiết. Bệnh nhân cố gắng duy trì việc nín thở mỗi lần như nhau để đảm đảo đâm kim vào đúng vị trí, vì khối u sẽ di chuyển theo nhịp thở.

Bệnh nhân thường sẽ được tháo băng 1 ngày sau thủ thuật và có thể tắm bình thường.

Bệnh nhân không nên cố gắng hoạt động thể chất (như nâng vật nặng, leo cầu thang nhiều, chơi thể thao, v.v) vào buổi tối và cả ngày sau khi sinh thiết. Vào ngày thứ hai, nếu thấy đủ sức thì có thể trở lại các hoạt động thường ngày. Trong 10 ngày tiếp theo, nên tránh tập luyện cường độ cao.

Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhẹ tại vị trí sinh thiết khi thuốc tê hết tác dụng, nhưng tình trạng này sẽ cải thiện. Bệnh nhân cũng có thể ho ra ít máu, nhưng không đáng kể.

Các triệu chứng này sẽ giảm dần trong vòng 12 đến 48 giờ sau thủ thuật.

Nếu bệnh nhân cảm thấy đau hoặc khó thở, vui lòng liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến khoa Cấp cứu.

AI LÀ NGƯỜI ĐỌC KẾT QUẢ VÀ BỆNH NHÂN SẼ NHẬN KẾT QUẢ BẰNG CÁCH NÀO?

Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ khảo sát mẫu bệnh phẩm được lấy từ bệnh nhân và cố gắng đưa ra chẩn đoán để có thể bắt đầu kế hoạch điều trị. Lưu ý rằng không phải lúc nào cũng có thể chẩn đoán từ mẫu bệnh phẩm và nếu không thể chẩn đoán, bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân về các phương pháp chẩn đoán khác.

CÁC LỢI ÍCH SO VỚI NGUY CƠ?

Lợi ích

Sinh thiết bằng kim là một phương pháp đáng tin cậy để lấy các mẫu mô giúp chẩn đoán khối u là lành tính hay ác tính.

Sinh thiết bằng kim là thủ thuật ít xâm lấn hơn sinh thiết bằng phẫu thuật vì phẫu thuật thường có đường rạch da lớn hơn và phải gây mê toàn thân.

Thủ thuật này thường không gây đau và cho kết quả chính xác như khi lấy mẫu mô bằng phẫu thuật.

Thời gian hồi phục ngắn và bệnh nhân có thể sớm trở lại các hoạt động thường ngày.

Nguy cơ

Bất kỳ thủ thuật nào xuyên qua da cũng đều có nguy cơ nhiễm trùng. Khả năng nhiễm trùng cần phải điều trị kháng sinh thấp hơn 1/1000 trường hợp.

Chảy máu tại vị trí đâm kim thường hiếm gặp, nhưng tình trạng ho ra máu có thể xảy ra.

Rò rỉ khí từ chỗ sinh thiết phổi vào khoang màng phổi quanh phổi có thể xảy ra. Đây được gọi là tràn khí màng phổi và có thể dẫn đến xẹp phổi. Các dấu hiệu của xẹp phổi bao gồm hụt hơi, khó thở, mạch nhanh, đau nhói ở ngực hoặc vai khi thở. Trong hầu hết trường hợp, tràn khí màng phổi sẽ tự khỏi. Nếu tràn khí màng phổi nhiều đến mức có thể gây hại, cần đặt ống thông nhỏ vào khoang ngực để dẫn khí ra ngoài. Ống này thường được rút sau vài ngày.

Chảy máu từ chỗ sinh thiết phổi vào khoang màng phổi có thể gây xẹp phổi vì máu đẩy  vào mặt ngoài phổi. Đây được gọi là tràn máu màng phổi và cần phẫu thuật đặt ống thông để dẫn máu ra khỏi khoang màng phổi.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ khoa Chẩn đoán Hình ảnh qua số (028) 54 11 34 00.

Zalo