Bản Tin Sức Khỏe

Bác Sĩ Võ Triệu Đạt: Khoảnh Khắc Em Bé Chào Đời là Thiêng Liêng Nhất

Sản khoa là một chuyên khoa đặc biệt. Đặc biệt bởi cảm xúc hạnh phúc và những áp lực cứ đan vào nhau trong lòng người bác sĩ. Hơn 15 năm vui buồn trong nghề, bác sĩ Võ Triệu Đạt (Khoa Sản Phụ khoa -Bệnh viện FV) nghĩ rằng, trong rất nhiều áp lực mà anh đã trải qua, thì niềm vui đón nhận lại vẫn rất xứng đáng.

Công việc nhiều áp lực đòi hỏi sự chuyên nghiệp

Bất cứ công việc nào cũng có những áp lực riêng, công việc càng khó, càng ý nghĩa thì áp lực sẽ càng lớn. Đối với chuyên ngành sản khoa, thì áp lực lại là chuyện…mỗi ngày. Bác sĩ Đạt cho biết: “Các tai biến trong sản khoa khá thường gặp, bác sĩ vừa phải đảm bảo an toàn cho mẹ, vừa phải theo dõi sức khỏe cho bé, do vậy áp lực là chuyện khó tránh khỏi”. Tuy vậy, anh vẫn thấy mình tự tin trước những áp lực ấy khi có khoảng 9 tháng theo dõi, đồng hành và tư vấn cho những sản phụ, để cùng họ có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc vượt cạn.

Những năm gần đây với tốc độ lan truyền của mạng xã hội, không ít tin tức về các trường hợp biến chứng trong sản khoa làm cộng đồng dậy sóng. Có trường hợp có thể do sơ xuất của bác sĩ, nhưng cũng có nhiều trường hợp biến chứng bất ngờ nằm ngoài khả năng dự đoán của ekip điều trị. Làm bác sĩ sản khoa, có lẽ khi nghe hay gặp những tình huống như vậy ai cũng sẽ rất buồn. Bác sĩ Đạt chia sẻ, ngoài chuyện phải rèn luyện tay nghề, phải làm tốt mọi thứ, thì bác sĩ còn cần giúp cho các sản phụ và gia đình hiểu, các bác sĩ luôn cố gắng làm tốt nhất có thể, nhưng trong quá trình mang thai và sinh con vẫn có những rủi ro ngoài dự liệu.

Cộng tác với bác sĩ Võ Triệu Đạt hơn 17 năm, chị Trần Thị Thanh Trang (Nữ hộ sinh trưởng – Bệnh viện FV) chia sẻ: “làm cộng sự với bác sĩ Đạt cũng ít căng thẳng, có thể anh ấy hiểu được công việc này đòi hỏi sự hỗ trợ lẫn nhau, nên lúc nào anh cũng ân cần và sẵn sàng giúp chúng tôi trong công việc”. Phong cách làm việc gọn gàng trong phòng sanh, từ chuyện tự tay chuẩn bị trang phục phẫu thuật, sắp xếp dụng cụ, đến thao tác nhanh nhẹn và xử lý dụng cụ sau ca sanh, mọi thứ đều quy chuẩn. Phong cách mà chị Trang gọi là “lĩnh hội đủ từ y học nước ngoài” đó đã giúp giảm tải rất nhiều cho các nữ hộ sinh cả về mặt thời gian, cũng như tâm lý làm việc.

“Tôi sẽ vẫn chọn bác sĩ Đạt”

Con đường hành nghề y chắc chắn ai cũng sẽ có lúc đối mặt với những hụt hẫng, thất bại trong công việc. Nhưng bác sĩ Võ Triệu Đạt nghĩ, hơn ai hết, chính các bác sĩ vẫn phải là người tự trấn an, tự vực dậy tinh thần của bản thân. Anh nói thêm: “Bên cạnh những áp lực, thì niềm vui giúp đỡ được mọi người cũng giúp tôi rất nhiều”. Đối với ngành sản khoa của anh, sau mỗi lần đối mặt với biến chứng, với căng thẳng, là một lần anh và các cộng sự của mình tự nâng cao kiến thức, sự tự tin cho những trường hợp sau này.

Trong khoảng thời gian đầu bước vào nghề y, bác sĩ Đạt đã tiếp cận với chuyên ngành sản phụ khoa, dù trong lòng không có dự định đó. Tuy nhiên, càng làm anh lại càng tìm thấy được niềm vui, cũng như sự cuốn hút trong chuyên khoa sản. Có lẽ sự vui vẻ, xông xáo sẵn có trong con người bác sĩ Đạt, là điều đã giúp anh tìm đến và làm tốt công việc trong lĩnh vực này. Chị H.P.Lan (29 tuổi, Tp.HCM) cho biết: “Khi mang thai em bé đầu, có lần tôi phải nhập viện cấp cứu, lần đó bác sĩ Đạt đang hỗ trợ dưới cấp cứu, không phải bác sĩ đang theo dõi cho tôi. Nhưng thấy sự kỹ lưỡng, nhiệt tình và dễ thương của anh lúc chăm sóc tôi, nên khi có bé thứ hai tôi đã chọn bác Đạt”.

Nhiệt huyết trong công việc, để mỗi ngày chọn được một niềm vui là điều bác sĩ Đạt tâm niệm trước khi bước vào ca làm.

Bác sĩ Võ Triệu Đạt

Chị N.T.N.Anh (34 tuổi, Tp.HCM) chia sẻ: “Tôi nghĩ mỗi bác sĩ có một cách làm việc khác nhau, nhưng nếu có sinh em bé thứ ba tôi sẽ vẫn chọn bác sĩ Đạt. Cứ nghĩ trong 9 tháng với rất nhiều vấn đề diễn ra với sản phụ, có một bác sĩ tận tâm đồng hành như anh tôi cũng an tâm”. Cử chỉ nhẹ nhàng, giọng nói ân cần, cùng gương mặt được nhiều bệnh nhân khen điển trai của bác sĩ Đạt, có thể xem là nguồn năng lượng tích cực ban đầu khi anh tiếp xúc người bệnh. Anh cũng xem đó là một lợi thế khi có thể giao tiếp và tìm được sự thấu hiểu với bệnh nhân của mình.

Khoảnh khắc em bé chào đời là thiêng liêng nhất

Hầu như các sản phụ đều có sự e ngại nhất định khi thăm khám với các bác sĩ nam, tuy nhiên bác sĩ Đạt đã giúp nhiều bệnh nhân vượt qua được rào cản tâm lý đó. “Cái tâm của người làm nghề y, cũng như sự chăm sóc của bác sĩ Đạt giống như một người bạn thân, đã làm tôi thấy rất thoải mái”, sản phụ Lan nói. Ngoài chuẩn bị chuyên môn tốt cho bản thân, thì chuẩn bị tâm lý cho các bà mẹ suốt thời gian mang thai là điều bác sĩ Đạt xem như nhiệm vụ cần phải làm.

Mọi sự dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng bất kỳ người mẹ nào, đặc biệt là những mẹ sanh con lần đầu cũng lo lắng trước cuộc vượt cạn. Do vậy, nỗ lực của các bác sĩ sản khoa sau 9 tháng chăm sóc, cuối cùng vẫn cần thêm một cố gắng mạnh mẽ hơn nữa trong phòng sanh. Chị N.Anh chia sẻ: “Bác sĩ Đạt cứ liên tục động viên “cố lên”, “em làm được mà”. Lúc anh trao em bé cho tôi, dù đang rất đau và không nghe được gì nữa, nhưng cảm giác như đang có người thân cạnh bên vậy”. Bác sĩ Đạt nhắc rất nhiều lần về điều mình thích nhất khi hành nghề chính là khoảnh khắc em bé chào đời, anh chia sẻ: “khi đón một sinh linh bé bỏng đến với cuộc đời, tôi cảm thấy giây phút ấy vô cùng đặc biệt”. Nhưng để có được khoảnh khắc khó quên, giây phút tràn ngập niềm vui và sự hạnh phúc đó, thì bác sĩ phải là một đầu tàu đủ bản lĩnh để kéo sự cố gắng của tất cả mọi người trong phòng sanh.

Khi hỏi vui bác sĩ Đạt, nếu mà anh không làm bác sĩ thì anh muốn làm gì. Rất nhanh, anh đáp gọn: “tôi làm ca sĩ”. Anh nói từ nhỏ mình đã có sở thích với âm nhạc. Không chỉ bề ngoài, hay phong cách của bác sĩ Đạt cho người đối diện cái cảm nhận nghệ thuật trong anh, mà nhiều nhân viên tại FV, hay bệnh nhân đều xác nhận chất nghệ sĩ đó. Có lẽ sự tinh tế cần thiết trong ngành y, đã giúp rất nhiều các y bác sĩ có cái duyên với các bộ môn nghệ thuật. Lắng nghe một giai điệu hay từ người nghệ sĩ, có thể mang lại cho chúng ta một nỗi vui buồn nhất định. Nhưng tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ lại rất khác, âm thanh đó mang đến cho những bác sĩ sản khoa, như bác sĩ Võ Triệu Đạt một cảm xúc rất thiêng liêng. Một cảm xúc mà không ngôn từ nào có thể diễn tả được.

Zalo