Bản Tin Sức Khỏe

Cấy ghép ICD phòng ngừa đột tử do tim

Trong khi thuốc chống loạn nhịp chỉ có tỉ lệ thành công giới hạn thì máy khử rung cấy được (ICD: Implantable Cardioverter Defibrillator) đã trở thành một phương pháp điều trị nền tảng trong việc dự phòng đột tử do tim. Khoa Tim mạch – Bệnh viện FV đã thực hiện phẫu thuật cấy ghép ICD cho nhiều bệnh nhân có nguy cơ đột tử do tim cao

Thiết bị ICD được xem là cứu tinh của bệnh nhân mắc chứng loạn nhịp tim nguy hiểm. Khi tim bị loạn nhịp, bệnh nhân thường có các cơn ngất xỉu khó lường, và nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đối với bệnh nhân lên cơn loạn nhịp, nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách thì tử vong là điều chắc chắn. Đây là nỗi ám ảnh đối với những bệnh nhân không may mắc chứng bệnh quái ác này.

Anh T.K.L, 45 tuổi (Q.9, Tp.HCM) nhập viện tại khoa Tim mạch – Bệnh viên FV trong tình trạng huyết áp thấp, mạch khó bắt và lơ mơ. Được biết, bệnh nhân từng có tiền sử nhồi máu cơ tim đã đặt stent động mạch vành và chức năng co bóp của tim giảm. Lúc đó, điện tâm đồ ghi nhận nhịp nhanh thất với tần số 220 lần/phút, nhịp tim ở người bình thường dao động 60-80 lần/phút. Đây là rối loạn nhịp nguy hiểm có thể diễn tiến tử vong do ngưng tim.

Sau khi bệnh nhân đã được sốc điện chuyển nhịp cấp cứu thành công, bác sĩ Trần Nhân Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch, và bác sĩ Nguyễn Thái Bình Sơn – là những chuyên gia về điện sinh lý và tạo nhịp của khoa đã chọn giải pháp phẫu thuật cấy ICD. Đây là một phương pháp hiệu quả và an toàn trong y học hiện đại giúp dự phòng đột tử do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm gây ra.

Thiết bị ICD được cấy ghép dưới da vùng ngực, ngay bên dưới xương đòn của bệnh nhân, với dây điện cực kết nối trực tiếp vào tim. ICD ghi nhận và theo dõi tất cả mọi hoạt động điện học của tim. Khi tim xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm, tín hiệu bất thường này sẽ chuyển tới máy ICD. Với thuật toán thông minh, máy ICD phân tích rối loạn nhịp và phát ra một luồng điện vài chục joule trong 15 – 20 giây, giúp khôi phục lại nhịp đập bình thường của tim. Khi nhịp tim quá chậm do dùng thuốc trợ tim, máy cũng có thể “kích” tim đập nhanh hơn.

Đưa một tình trạng rối loạn nhịp nguy hiểm có thể gây đột tử về nhịp tim bình thường là nguyên lý hoạt động then chốt của thiết bị ICD. Nhờ đó, hạn chế tối đa các trường hợp đột tử gây ra bởi tình trạng mất chức năng co bóp của tim một cách đột ngột khi tim bị các rối loạn nhịp nguy hiểm (rung thất, nhịp nhanh thất).

Các trường hợp có nguy cơ cao bị đột tử do tim như nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim với giảm chức năng co bóp, tiền sử ngất, rối loạn nhịp, và gia đình có người bị đột tử… cần nên được xem xét giải pháp điều trị này.

Phẫu thuật cấy ghép ICD được thực hiện ở những trung tâm tim mạch kỹ thuật cao và bởi những bác sĩ chuyên khoa sâu về tạo nhịp tim. Điều quan trọng chính là đưa ra chỉ định đúng, phẫu thuật và theo dõi những bệnh nhân đã cấy thiết bị ICD. Bệnh nhân có thiết bị ICD cần tuân thủ chế độ tái khám và kiểm tra thiết bị định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ điều trị. Đồng thời, bệnh nhân có thiết bị ICD cũng có chế độ sinh hoạt, ăn uống, tập thể dục như những người bình thường, và có những hướng dẫn cần thiết khi tiếp xúc với các thiết bị điện từ, máy kiểm tra tại sân bay…

Zalo