Bản Tin Sức Khỏe

Khoa điều trị COVID-19 bệnh viện FV – Nơi mỗi ngày là một cuộc chiến

Kể từ khi FV bắt đầu tiếp nhận điều trị bệnh nhân F0, tuần thứ hai của tháng 7, mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc chiến đối với đội ngũ y tế đang làm việc tại Khoa Điều trị COVID-19: khó khăn về nhân lực, sức nặng về tâm lý khi đối mặt với chuyện sinh tử diễn ra thường xuyên hơn. Bất kể chuyện gì xảy ra ngày hôm nay, thì ngày mai vẫn sẽ là bình minh và mọi người lại tiếp tục cuộc chiến chưa biết ngày kết thúc.

Giữ tinh thần chiến đấu vì bệnh nhân

Cánh Đông và Cánh Tây Lầu 4 – Khu Điều trị Khoa Nội nay trở thành một phần của Khoa Điều Trị bệnh nhân F0. Quầy Điều Dưỡng trung tâm của cánh Đông chính là văn phòng nơi 8h sáng mỗi ngày bác sĩ Hồ Minh Tuấn tổ chức họp giao ban cho các vấn đề điều trị F0 tại FV. Từ cuối tháng Bảy, Bác sĩ Tuấn, người điều hành Khoa Tim Mạch Can Thiệp, tình nguyện nhận thêm trọng trách làm Trưởng khoa Điều trị COVID-19 tại FV. Sáng nay, một số bác sĩ vẫn chưa kết thúc ca trực đêm qua, cũng đang vội tìm chỗ ngồi để thông báo tình hình điều trị trong đêm và thảo luận các đề xuất, hướng dẫn mới. 

Bs Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa COVID-19 đang thảo luận về một ca bệnh

Không khí các buổi họp thường là rất căng thẳng, nhưng cũng có những lúc có tiếng cười. Bác sĩ Tuấn chia sẻ, ngoài chuyên môn, ngoài việc có sức khỏe, thì cần phải tạo cho chính mình và cho mọi người một tinh thần tốt trong công việc. Thật khó có thể làm việc trong hoàn cảnh của thời dịch bệnh nếu không thể tìm được một niềm vui, một hy vọng nào đó cho bản thân. Bác sĩ Nguyễn Thi Nghĩa (Khoa Tiêu hóa & Gan mật) cười nói: “Năm nay tôi cũng gần 60 tuổi rồi, nhưng thấy mình vẫn có thể giúp được nhiều bệnh nhân, nên quyết định tham gia đội điều trị COVID”. Bắt đầu từ sự sẵn lòng, dám dấn thân của các bác sĩ, Khoa Điều trị COVID-19 FV đã hình thành như vậy.

Phía sau “phòng” họp, các điều dưỡng vẫn đang tất bật chuẩn bị cho “tua” điều trị buổi sáng: đồ bảo hộ, thuốc cho từng người bệnh, các vật tư tiêu hao và dụng cụ cần thiết,… tất cả đều được kiểm tra rất kỹ lưỡng trước khi vào khu điều trị, để hoàn thành một “tua” rồi trở lại phòng sạch vào giờ trưa. Đội ngũ điều dưỡng có nhiều gương mặt mới vừa được bổ sung thêm vào lực lượng điều trị. Chị Chu Thị Nguyệt Anh (Điều dưỡng Trưởng – Khoa Nội cánh Tây) cười nói: “Điều dưỡng lâu năm giờ cũng xem như người mới. Mọi thứ đều mới mẻ, nên ai cũng phải cập nhật, vừa làm vừa học từ thực tế”. Cả tháng nay, Khoa nội trú điều trị COVID-19 này còn hơn cả thực tế, mọi thứ cứ xoay vần liên miên. Có người chỉ được học việc 2, 3 ngày là đã phải giáp mặt với thực tế rất khốc liệt phía bên trong cánh cửa phòng bệnh nhân.

Các bác sĩ trong ekip trực đang làm việc tại khu vực ''sạch'' dành riêng cho khoa điều trị COVID-19
Các bác sĩ trong ekip trực đang làm việc tại khu vực ”sạch” dành riêng cho khoa điều trị COVID-19

Không gian lầu 4 tòa nhà F, vốn là Khoa Nội điều trị nội trú, bây giờ khác lắm, được phân tách để tạo ra khu sạch, các vùng đệm, khu điều trị, nhằm tăng thêm an toàn cho các anh chị làm việc tại đây, thành viên từ phòng ban khác tới đây cần phải có người dẫn đường. Sáng nay không khí trong phòng điều dưỡng Cánh Tây dễ chịu hơn đôi chút, có cả tiếng thở ra nhẹ nhõm, có cả tiếng cười và cả lời động viên. Lâu lắm rồi nhóm mới được tan ca đúng giờ như vậy. Đúng thì mỗi ca trực đêm sẽ được kết thúc và bàn giao vào 8 giờ sáng, nhưng thời gian gần đây, đều phải kéo sang 9 giờ hoặc hơn vậy. Thời gian vốn dĩ rất quý giá, bây giờ còn quý giá hơn. Họ, đội ngũ y tế không ngơi nghỉ chăm sóc và cùng bệnh nhân F0 chiến đấu với vi-rút, chắt chiu chút thời gian hiếm hoi để bản thân được hít thở, để bình tâm và tiếp tục với cuộc chiến ngày qua ngày kia.

Đối mặt với tình trạng ‘’quá tải’’

Khác với tinh thần của buổi họp giao ban đầu ngày, việc xử trí bệnh nhân có phần trĩu nặng và căng thẳng. Ai cũng tất bật với công việc, chẳng mấy khi nghe ai bảo ai tiếng nào. Hành lang trong khu vực điều trị, mọi người kín mít trong trang phục bảo hộ liên tục di chuyển không lúc nào ngơi. Trước đây, chiếc băng ca dùng để chuyển bệnh theo mã xanh (code blue) cả tháng mới có một ca thì giờ đây nó cũng không được “giải lao”. Có những loại thuốc và vật dụng mà trước đây hàng tháng trời mới có điều kiện sử dụng vài lần, thì bây giờ ngày nào cũng phải “nhập sỉ” và “dùng sỉ”, tính số lượng lên cả trăm trong ngày.

Trong khoảng 10 phút, tín hiệu bệnh nhân gọi hỗ trợ trong khu sạch reo lên không dưới 5 lần. Theo sự điều phối của chị Nguyệt Anh, các điều dưỡng nhanh chóng vào phòng 419 xem xét tình hình, vừa bước ra khỏi đó, chưa kịp lấy hơi đã phải chạy đến phòng khác. Cứ thế ngày nào cũng như ngày nào. Có đêm, tại đây có tới 14 – 15 ca thở máy trong cùng một lúc. “Thật sự là quá tải đối với mọi người” – chị Nguyệt Anh vừa nói, vừa điều chỉnh số liệu trên tấm bảng chi chít thông tin bệnh nhân, không còn một chỗ trống. 

Một nửa bảng là thông tin các ca bệnh có triệu chứng trung bình, nửa còn lại đang phải săn sóc điều trị đặc biệt hoặc cần hỗ trợ thở liên tục. Trước kia, còn có vài phòng trống để người bệnh nằm tạm trong khi chờ vệ sinh phòng cũ hoặc chờ chuyển phòng điều trị, thì nay việc chuyển bệnh diễn ra ngay trên hành lang, người bệnh này rời đi thì ngay lập tức người kia được chuyển vào. Khi một ca bệnh được chuyển từ Cánh Tây (điều trị bệnh nặng) sang Cánh Đông (điều trị bệnh nhẹ, chờ xuất viện) thì đó là một sự thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cũng có những bệnh nhân đã ở lại Cánh Tây rất lâu, và có những bệnh nhân sẽ không còn cơ hội chuyển đi đâu nữa. Bỗng chốc một ngày, khu vực này trở thành nơi diễn ra nhiều cuộc chia ly, với vô vàn cảm xúc và suy nghĩ khác nhau. Đó cũng là một gánh nặng tâm lý đối với đội ngũ đang làm việc tại đây.

Vậy đó, đội ngũ vẫn ở đây, vẫn cần mẫn kiểm tra từng li, từng tí ngoài khu sạch, vẫn mặc trang phục bảo hộ chạy như con thoi trên các hành lang của khu điều trị, vẫn ở cạnh bên để động viên và chăm sóc bệnh nhân mỗi ngày. Chị Nguyệt Anh chia sẻ: “Ai mà không lo sợ em, các bạn ở đây đều thấy sợ cả. Nhưng nỗi sợ bệnh tật nhiều lúc không lớn bằng sự bất an khi mình nhỡ có sơ suất và gây ra vấn đề gì đó cho bệnh nhân”. Có lẽ trong những ngày này, điều giữ cho đôi chân và bàn tay của các anh chị không mỏi mệt, không phải là sự can đảm, hay tinh thần quyết chiến gì cả, đó đơn giản chỉ là nỗi lo nghĩ mình chưa đủ cố gắng vì bệnh nhân. Trái tim của người làm ngành y không cho phép họ bỏ cuộc. 

Bên ngoài hàng lang chung giữa Cánh Đông và Cánh Tây, tôi quan sát thấy bác sĩ Tuấn đang đứng đó, hơi thở có vẻ rất mệt, sau một buổi sáng thăm khám bệnh nhân. Vậy mà khi tôi tới gần, anh vẫn cười nói: “Không sao, hơi mệt chút, chứ giải quyết được hết. Vài hôm nữa sẽ có thêm nhân lực, sẽ ổn cả thôi”. Chính lúc này, chúng ta thật sự cần sức người, cần lạc quan và cần cả hy vọng. Nhưng cho dù những điều đó có dần vơi đi chăng nữa, thì ngày mai sẽ vẫn đến với khu điều trị COVID-19, những anh chị tại đây sẽ vẫn tiếp tục làm tất cả để tìm lại sự sống cho bệnh nhân của mình.

Zalo