Bản Tin Sức Khỏe

Kỹ thuật viên gây mê: Chiến đấu thầm lặng để giành lấy sự sống cho bệnh nhân

Công việc của các Kỹ thuật viên Gây mê dường như không có điểm dừng, một ca mổ có lúc diễn ra rất nhanh cần sự tập trung cao độ, cũng nhiều khi kéo dài liên tục trong nhiều giờ. Âm thầm, ít tiếng nói cười, luôn tất bật và căng thẳng vì công việc cần tính chính xác cao cũng như trách nhiệm đối với an toàn của bệnh nhân.

Một chuỗi công việc lặng lẽ nhưng căng thẳng

Kỹ thuật viên Gây mê là một trong những công việc trầm lặng nhưng được đánh giá căng thẳng nhất trong nhóm ngành y tế. Ngay cả trên thế giới, cũng không có nhiều đề tài có đủ nguồn lực hay tư liệu, để tiếp cận nghiên cứu về những khó khăn tinh thần, thể chất của công việc này.

Theo một báo cáo, khảo sát hơn 600 kỹ thuật viên gây mê tại Vương Quốc Anh năm 2019, ngay trước thời điểm xuất hiện COVID-19 cho biết, có 37% gặp căng thẳng và 25% bị kiệt sức hoàn toàn trong công việc. Trong khi Anh Quốc được xếp vào những nước có môi trường chăm sóc y tế tốt nhất thế giới.

Các Kỹ thuật viên Gây mê FV được phân chia thời gian làm việc theo ca, tuy nhiên một ca làm việc có thể kéo dài tùy thuộc vào ca phẫu thuật mà họ đang tham gia. Trong một ca phẫu thuật, vai trò của kỹ thuật viên gây mê bao gồm những việc: Đánh giá bệnh nhân; Chuẩn bị môi trường (môi trường Phòng Mổ, thuốc gây mê và hồi sức, vật tư tiêu hao, thiết bị, các bộ can thiệp xâm lấn và cấp cứu,…); Theo dõi bệnh nhân trong suốt chu trình (nhận bệnh, phẫu thuật và hồi tỉnh); Quản lý biến chứng và Xử lý cấp cứu về phía gây mê.

“Do tham gia vào cả một chu trình chăm sóc quan trọng như vậy, nên vai trò của kỹ thuật viên gây mê cần được hiểu chính xác là công việc của điều dưỡng gây mê.  Kỹ thuật viên thường là người chỉ hỗ trợ theo dõi, sử dụng các máy móc trong quá trình gây mê. Chúng tôi thật sự đồng hành cùng bệnh nhân trong toàn bộ quá trình”, chị Hoàng Thị Bích Vân (Trưởng nhóm Kỹ thuật viên Gây mê) cho biết thêm.

Chị Bích Vân đang kiểm tra để bổ sung thuốc tại Kho Dược khu vực Phòng Mổ

Một chuỗi công việc cho một ca phẫu thuật như trên có  lúc mất 60 phút, cũng có khi kéo dài trên 10 tiếng. Bên cạnh đóm các anh chị sẽ thực hiện kiểm tra máy móc thiết bị thuộc về gây mê tại phòng mổ; Quản lý sử dụng và bổ sung vật tư tiêu hao và các thuốc chuyên biệt tại Phòng Mổ; tham gia vào các công việc cùng đồng nghiệp tại Phòng Mổ, các hỗ trợ trong phẫu thuật, để đảm bảo duy trì tiêu chuẩn quy định một ca mổ…

Người ta ví công việc văn phòng là việc “8 tiếng nhìn màn hình”, dường như không mấy hào hứng và cũng nhiều mệt mỏi. Nhưng cũng không đến mức nhìn mãi vào màn hình trong 8 giờ liền vì còn nhiều hoạt động xung quanh. Trong khi đó, lắm lúc một kỹ thuật viên gây mê sẽ cần quan sát các màn hình của máy gây mê, máy sinh hiệu liên tục trong ngần ấy thời gian cùng nhiều thiết bị, duy trì dịch truyền, máu và sản phẩm máu… Bên cạnh việc phải quan sát bệnh nhân, trong ánh sáng lóa của những chiếc đèn không hắt bóng, trong không gian im ắng thường chỉ có tiếng máy và tiếng dao kéo. Thật sự không chỉ cần mỗi sự lành nghề, mà còn phải có một tinh thần thép mới vững vàng tại vị trí này.

Yêu nghề là điều kiện tiên quyết

Bất cứ công việc nào cũng đều khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, ngành y tế cũng không phải ngoại lệ. Chị Bích Vân nói, trong tình huống của một ca phẫu thuật giữa ranh giới sinh và tử, những tranh luận cần phải có để đưa ra quyết định thật sự hết sức căng thẳng. Có lúc tự trong ekip có thể thống nhất, có khi phải cần đến cấp trên qua điện thoại, cũng có lúc các bác sĩ trưởng khoa thực hiện hội chẩn khẩn ngay trong phòng mổ đang diễn ra. “Nhưng chung quy mọi quyết định đều phải trên nguyên tắc mang lại lợi ích và an toàn cao nhất cho người bệnh, nên nhìn chung mọi người phải cùng nhau nổ lực rất nhiều và đi đến phương án ổn thỏa”, chị Vân giải thích.

Tuy tại FV bệnh nhân đã được đánh giá kỹ lưỡng trước phẫu thuật, các giai đoạn đều có sự tham gia và giám sát từ Bác sĩ Gây mê, nhưng những biến chứng thì vẫn có thể tiềm ẩn trong suốt quá trình này. Công việc phải trực tiếp theo dõi bệnh nhân, phải sẵn sàng xử lý cấp cứu ngay khi có các tai biến gây mê, cũng tạo ra thêm những áp lực lớn đến các kỹ thuật viên gây mê.

Cần có sức khỏe tốt và tình yêu nghề để trụ vững với công việc sau bức màn xanh này

Áp lực từ công việc, cộng với những áp lực của thời đại ngày nay khiến không ít điều dưỡng (nói chung) bỏ nghề. Riêng đội ngũ Kỹ thuật viên Gây mê tại FV, mặc dù không hùng hậu nhân lực nhưng vẫn giữ được sự ổn định cần thiết. Chị Bích Vân chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi phải có tình yêu nghề để có thể nỗ lực mỗi ngày, can đảm chấp nhận thử thách đối với những ca mổ phức tạp, sau cùng phải chịu hy sinh thầm lặng đằng sau bức màn phẫu thuật vì mục tiêu điều trị cho bệnh nhân”. Điều đó càng chứng tỏ sự nhiệt huyết của đội ngũ kỹ thuật viên gây mê, cần đến tình cảm đặc biệt dành cho sự nghiệp của mình.

Không ít các bác sĩ quốc tế, các bác sĩ hợp tác với bệnh viện, đã dành lời khen đầu tiên cho đội ngũ Bác sĩ và Kỹ thuật viên Gây mê của FV. Giáo sư Donald Tan thực hiện các ca ghép giác mạc, hay Bác sĩ Ngô Long Phi thực hiện phẫu thuật tạo hình hàm mặt, đều từng chia sẻ bản thân rất an tâm khi làm việc cùng đội ngũ gây mê FV. “Phẫu thuật hàm mặt rất phức tạp nên thường tốn nhiều thời gian, nếu không có một đội gây mê giỏi, chuyên nghiệp, để phối hợp tốt với phẫu thuật viên thì khó đạt được thành công ca mổ”, Bác sĩ Ngô Long Phi cho biết.

Theo dõi hồi tĩnh sát sao để đảm bảo hiệu quả toàn diện cho một chuỗi công việc

Mỗi ca phẫu thuật thành công, mỗi bệnh nhân được khỏe mạnh rời Phòng Mổ đều là thành quả lao động của cả một tập thể điều trị. Nhưng sẽ thật khó để người bệnh hình dung rõ vai trò quan trọng của Kỹ thuật viên Gây mê, do vị trí thầm lặng sau tấm màn xanh của họ. Nhưng đối với các anh chị, điều đó có lẽ cũng không hề gì, so với sự thành công trong công việc. Vì một lần thành công là một lần giúp một bệnh nhân thoát khỏi vòng vây của bệnh tật.

Zalo