Bản Tin Sức Khỏe

Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư bàng quang

Tại Việt Nam, số người mắc ung thư bàng quang hiện nay có xu hướng tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân e ngại không muốn điều trị do sợ hãi cơn ác mộng phải “đeo túi nước tiểu bên hông đến trọn đời” sau khi phẫu thuật cắt bỏ bàng quang. Tại khoa Niệu – Bệnh viện FV, bệnh nhân được phẫu thuật tái tạo bàng quang “mới”, không cần mang túi chứa nước tiểu nữa. Đây được xem như một “cuộc cách mạng” giúp bệnh nhân ung thư bàng quang chia tay túi nước tiểu phiền toái.

Chị H.P (58 tuổi, Q.8, Tp.HCM) là một phụ nữ khỏe mạnh. Chị không bao giờ nghĩ có ngày mình lại mắc căn bệnh ung thư bàng quang quái ác. Ngay cả khi thấy nước tiểu màu sẫm và có máu cục, chị H.P vẫn nghĩ do “nóng trong người” và tự mua thuốc uống. Khi vùng bụng dưới bắt đầu đau tức, tiểu máu nhiều lần, chị H.P hoảng hốt đến khám mới biết mình có một khối u lớn ở bàng quang đã xâm lấn vào cơ bọng đái, có thể phải cắt bỏ toàn bộ bọng đái và thậm chí một phần âm đạo…Chị vẫn chần chừ chưa muốn điều trị chỉ vì, điều làm chị thấy khủng khiếp hơn cả cái chết là thảm cảnh phải đeo bên hông hai túi nước tiểu vừa ẩm ướt vừa khó chịu đến suốt đời.

Ung thư bàng quang thường bắt đầu ở lớp lót bên trong của bàng quang – cơ quan lưu trữ nước tiểu sau khi lọc qua thận. Nếu thấy nước tiểu có màu sậm hơn bình thường, màu nâu, đôi khi đỏ tươi hoặc có máu cục, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư bàng quang. Một số bệnh nhân có các dấu hiệu khác như: đi tiểu liên tục, tiểu rát, tiểu buốt, tiểu khó, muốn đi tiểu mà không đi được… Các dấu hiệu này có thể nhầm lẫn với một số bệnh khác như sỏi bàng quang, viêm đường tiết niệu…, nên bệnh nhân dễ dàng bỏ qua không đến khám bác sĩ chuyên khoa.

Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, trưởng khoa Niệu – Bệnh viện FV: “Đa số các trường hợp ung thư bàng quang có thể phát hiện sớm khi bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện kịp thời và phẫu thuật sớm, gần 80% bệnh nhân ung thư bàng quang có thể chữa khỏi bệnh. Hiện nay, phương pháp điều trị triệt căn (tận gốc) đối với ung thư bàng quang giai đoạn sớm là phẫu thuật. Nếu khối u kích thước nhỏ: có thể phẫu thuật cắt bỏ u (qua nội soi niệu đạo) mà vẫn giữ được bàng quang. Nếu khối u lớn, đã xâm lấn vào lớp cơ bàng quang thì phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang có thể thực hiện bằng nội soi ổ bụng hay mổ mở, tùy thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật và trang thiết bị của bệnh viện”.

Trước đây, sau khi cắt bỏ bàng quang, bệnh nhân phải mang hai túi chứa nước tiểu suốt cả đời. Hiện nay, tại khoa Niệu – Bệnh viện FV, sau khi cắt bỏ bàng quang, bệnh nhân được phẫu thuật tái tạo bàng quang “mới”, không cần mang túi chứa nước tiểu nữa. Đây được xem như một “cuộc cách mạng” mở ra hy vọng cho bệnh nhân ung thư bàng quang, giúp họ chia tay vĩnh viễn với túi nước tiểu phiền toái và hôi hám.

Bác sĩ Jean-Francois Biset, chuyên gia Niệu khoa đến từ Pháp, đang làm việc tại khoa Niệu, Bệnh viện FV, giải thích thêm: “Sau cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ sẽ tái tạo một bàng quang “mới” bằng cách dùng một đoạn ruột non tạo thành một túi chứa nước tiểu; miệng túi nối trực tiếp với niệu đạo nên bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu bình thường bằng đường tự nhiên như trước phẫu thuật. Ngoài ra, cắt toàn bộ bàng quang bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng cũng giúp bệnh nhân mất ít máu, vết mổ nhỏ và phục hồi nhanh”.

Tại Bệnh viện FV, đây là loại phẫu thuật được các bác sĩ Niệu khoa của bệnh viện thực hiện thường xuyên với tỷ lệ thành công cao.

Zalo