Bản Tin Sức Khỏe

Nguyễn Thị Vĩnh Thành - Người Bác Sĩ Có Trái Tim “nhạy Cảm”

Gương mặt điềm đạm, đôi kính dày, cùng sự ân cần, Phó khoa Sản phụ khoa Bệnh viện FV, Bác sĩ Nguyễn Thị Vĩnh Thành luôn toát lên vẻ chỉnh chu và tạo sự an tâm cho người đối diện.

Được trò chuyện cùng bác sĩ Vĩnh Thành, người ta dễ dàng nhận ra bên trong vị bác sĩ tài năng này có một trái tim vô cùng “nhạy cảm”. Từ khi bước chân vào ngành Y, bác luôn theo đuổi cho mình sự hoàn mỹ. Sau mỗi lần tiếp xúc bệnh nhân, dù đã hoàn thành chỉnh chu công việc bác vẫn thường tự đặt cho mình những câu hỏi “Làm như vậy đã tốt nhất cho bệnh nhân chưa?”, “Liệu mình có quên làm điều gì đó có lợi cho bệnh nhân hay không?”. Bác không nhớ sự lo lắng đó xuất hiện từ khi nào nhưng kéo dài từ năm này sang năm khác, rồi dần dần hình thành nên tính cách cẩn thận và chu đáo. Và đó chính là một trong những đức tính đã làm nên tên tuổi của Bác sĩ Sản phụ khoa Nguyễn Thị Vĩnh Thành với gần 30 kinh nghiệm.

NẾP NHÀ Y, BÉN DUYÊN SẢN KHOA TỪ THƯỞ BÉ

Nhớ lại lần đầu tiên đỡ sinh, bác sĩ Nguyễn Thị Vĩnh Thành không giấu được vẻ hân hoan, “đó là lúc đi thực tập tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Cảm giác được nhìn ngắm các em bé trong khoảnh khắc chào đời trong lòng tôi vui lắm. Tôi say mê ở bệnh viện suốt cả ngày lẫn đêm , đến 2, 3 ngày chưa về nhà đến nỗi ba phải đến tìm và mang theo bánh mì để tiếp tế lương thực cho con gái. Kể từ đó, tôi nhận ra mình đã thích khoa Sản rồi”. Nhưng thật ra bác sĩ Vĩnh Thành đã không chọn Sản khoa mà cái duyên đến một cách tình cờ từ thưở nhỏ. Bác kể lại: “Từ đời ông ngoại cho đến mẹ đã mở tiệm thuốc (ở Quảng Nam) để lo thuốc men cho người dân trong làng. Rồi mẹ kiêm luôn việc của bà mụ giúp đỡ đẻ cho phụ nữ trong vùng. Trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, nhưng nửa đêm nghe tin có người trở dạ vẫn phải đốt đuốc băng đồng đi đỡ đẻ… Khi đến nhà nấu một nồi nước sôi lên để khử trùng dụng cụ và bắt tay vào việc. Có lúc gặp gia đình đơn chiếc, bà mụ nán ở lại nấu cho sản phụ nồi cơm để hồi sức sau khi vượt cạn. Rồi có những ca khó sinh, đứa bé ra đời bị ngộp bà mụ phải hà hơi thổi ngạt, thậm chí dùng miệng đế hút nhớt cho bé… Mọi thứ đều làm thủ công và không có bất cứ phương tiện nào hỗ trợ”.

Sau đó, gia đình chuyển ra Đà Nẵng tiếp tục công việc bán thuốc. Nhiều người dân trong làng đến mua thuốc đều được “vừa bán, vừa cho” để vượt qua lúc ngặt nghèo, bệnh tật. Cứ thế, từng việc làm y đức của gia đình, và những câu chuyện hộ sinh qua lời kể của ông ngoại và mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức của bác sĩ Vĩnh Thành. Cái nếp nghề y trong gia đình có từ thuở đó.

KHÔNG SỢ MÁU KHI PHẪU THUẬT NHƯNG…

“Tôi không sợ máu. Và cũng không sợ khi phải cầm dao để phẫu thuật cho bệnh nhân.” Thế nhưng, bác sĩ Vĩnh Thành suýt chút nữa đã từ bỏ không theo ngành Y khi lần đầu tiên trông thấy cảnh phá thai. Dù đó là câu chuyện thời sinh viên khi có dịp theo chân một chị hộ sinh, nhưng đã để lại “nỗi ám ảnh kinh khủng” trong tâm trí. Nhưng may mắn một thời gian sau mọi thứ cũng trôi qua.

Đến bây giờ cũng vậy, bác Vĩnh Thành cũng không sợ máu trong phòng mổ nhưng không thể chịu nổi khi thấy máu lúc người ta đánh nhau kể cả trên sàn thi đấu boxing…

Và đến những năm 1990, khi bước chân vào làm việc tại bệnh viện phụ sản lớn nhất Tp.HCM bác sĩ Vĩnh Thành vẫn không sợ máu mà chỉ sợ mình không làm tốt công việc chuyên môn, sợ mình làm tổn hại bệnh nhân. Bắt đầu từ những công việc đơn giản nhất như hộ sinh, trợ lý… bác sĩ Vĩnh Thành đi những bước đầu tiên bước vào khoa Sản.

CHƯA THÀNH CÔNG NHƯNG KHÁ HÀI LÒNG

 
Thành công là một hành trình chứ không phải là đích đến

Sau gần 30 năm trong nghề hộ sinh cho hàng nghìn bà mẹ và em bé nhưng bác sĩ Vĩnh Thành vẫn chưa nhận mình đã chạm đến thành công. Cho đến nay, niềm vui lớn nhất với bác chính là đã đào tạo được nhiều bác sĩ thế hệ sau để kế thừa những kinh nghiệm trong ngành Sản phụ khoa.

Ở sâu thẳm trong lòng, bác sĩ Vĩnh Thành vẫn còn mang suy nghĩ có khi nào mình vẫn chưa làm tốt cho bệnh nhân? Có điều gì còn thiếu sót hay không? Nhưng thật may mắn, từ khi gia nhập Bệnh viện FV, nỗi lo đó đã phần nào vơi đi nhờ vào những quy trình kiểm soát an toàn bệnh nhân được bệnh viện thiết lập chặt chẽ. Biết đến Bệnh viện FV từ khi mới thành lập và trở thành bác sĩ cộng tác từ 2005, tuy nhiên mãi đến tháng 4/2018 Bác sĩ Vĩnh Thành mới chính thức gia nhập. Theo bác, đây là môi trường tốt, theo tiêu chuẩn Quốc tế từ chuyên môn, hành chính cho tới khâu quản lý, con người…

Chia sẻ về mục tiêu của mình trong thời gian tới, Bác sĩ Vĩnh Thành cho biết mong muốn thành lập một ekip chuyên về Sàn chậu tại Bệnh viện FV. Đây là mảng khá mới, giúp đỡ và điều trị cho phụ nữ sau sinh vượt qua những trở ngại về thể chất, phòng chống, điều trị rối loạn và giải tỏa áp lực đè nặng lên vùng sàn chậu,… Được như vậy, phụ nữ sẽ mau hồi phục sức khỏe sau sinh.

Có thể thấy được, bằng trái tim “nhạy cảm” của mình Bác sĩ Vĩnh Thành đã cất lên tiếng lòng của những người phụ nữ. Thật dễ hiểu khi rất bác sĩ Vĩnh Thành được nhiều bệnh nhân yêu quý, và tìm đến khi bắt đầu vượt cạn.

Zalo