Tin tức

Nghệ thuật cấp cứu và chữa bệnh

Có những câu chuyện sinh tử trong nghề y mà chỉ có tâm huyết, tay nghề và tận tụy của người trong nghề mới có thể giúp tất cả vững tâm vượt qua được những thời khắc sống còn…

CA CẤP CỨU NGOÀI KHƠI

Một ngày cuối tháng 7/2016, khi một cơn bão đang trên đường vào Biển Đông thì số điện thoại (08) 5411 35 00 của Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV (TP.HCM) tiếp nhận thông tin có một bệnh nhân nguy kịch đang kẹt trên thuyền lớn ngoài biển. Đó là một người nước ngoài hơn 50 tuổi, máy trưởng của một tàu chở dầu nước ngoài, bị sốt cao và hôn mê.

Ngay lập tức, bác sĩ Trình Văn Hải – Trưởng Khoa Cấp cứu, nhận nhiệm vụ. Bác sĩ Hải cũng chính là người trước đó vào tháng 5/2016 đã dẫn đầu ê-kíp xe cấp cứu của FV tháp tùng trọn chuyến công du tại TP.HCM của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi bệnh viện được chọn cung cấp dịch vụ hỗ trợ y tế dự phòng cho phái đoàn Tổng thống. Là Trưởng Khoa cấp cứu từng tu nghiệp ở Pháp cùng kinh nghiệm nhiều năm cấp cứu cả nội viện và ngoại viện, từ trên bộ, đường hàng không đến cấp cứu trên biển, bác sĩ Hải hoàn toàn tự tin với nhiệm vụ ấy. Nhưng ông không thể hình dung được ca cấp cứu bệnh nhân trên biển lần này lại diễn ra nghẹt thở như phim hành động của Mỹ vậy.

Bác sĩ Hải kể: “Tờ mờ sáng, xe cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị y tế như một bệnh viện di động nhỏ chở ê-kíp thầy thuốc đến Vũng Tàu. Một chiếc ca-nô nhỏ chở chúng tôi lao ra khơi giữa lúc biển động mạnh. Ca-nô vật lộn với những cơn sóng hung dữ nhưng vẫn kiên trì lướt tới vì thời giờ đang là vàng bạc. Khoảng 9 giờ sáng, ca-nô mới tới được chiếc tàu dầu nhưng lúc này thử thách còn lớn hơn khi từng cơn sóng xô đập  khiến ca-nô không thể tiếp cận với thang dây của tàu dầu. Không còn cách nào khác, chúng tôi quyết liều mạo hiểm. Lợi dụng các đợt sóng lớn đẩy ca-nô lên cao gần thang, từng người nhảy lên bám vào thang dây thật nhanh, thật chính xác trước khi ngọn sóng rút xuống cuốn ca-nô ra xa”.

Lên được tàu dầu, ê-kíp cấp cứu nhanh chóng khám và sơ cứu bệnh nhân rồi nỗ lực cùng thuyền viên đưa bệnh nhân xuống ca-nô thẳng tiến về Vũng Tàu. Đến đất liền, bệnh nhân được xe cấp cứu FV chở ngay về TP.HCM. Bệnh nhân bị viêm màng não mủ, sốt cao, hôn mê sâu. Ca cấp cứu nghẹt thở và nguy hiểm cuối cùng đã thành công trong niềm vui của ê-kíp thầy thuốc, và quan trọng là bệnh nhân đã hồi phục sau điều trị.

Sau khi được ê-kíp FV cấp cứu, bệnh nhân được đưa từ tàu dầu xuống ca-nô để chở vào Vũng Tàu.

Trước đó, khoa Cấp cứu bệnh viện FV cũng từng cứu sống thuyền trưởng một tàu nước ngoài bị xuất huyết tiêu hóa, ra máu liên tục, tính mạng bị đe dọa. Bác sĩ Hải cho biết chuyến đi ấy cũng không kém phần nguy hiểm cho những người thầy thuốc khi tình huống yêu cầu phải cứu người giữa đêm tối mịt mù giữa biển động, nhưng ê-kíp của ông vẫn đặt tính mạng bệnh nhân lên trên hết.

MỘT HỆ THỐNG LIÊN HOÀN

Khoa Cấp cứu hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần không nghỉ. Đội ngũ bác sĩ cấp cứu và điều dưỡng chuyên môn sâu của khoa luôn sẵn sàng ứng cứu kịp thời. Phối hợp với các chuyên khoa khác trong bệnh viện, khoa Cấp cứu cung cấp dịch vụ điều trị cho người lớn và bệnh nhi cả về nội khoa và phẫu thuật. Bệnh viện cung cấp các dịch vụ đa dạng đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân. Mỗi dịch vụ đều luôn sẵn sàng ứng cứu kịp thời trong từng trường hợp cấp cứu.

Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm Phòng Mổ, Phòng Săn sóc đặc biệt (ICU), Phòng Sinh (cho phụ nữ mang thai), Phòng Xét nghiệm toàn diện và Ngân hàng máu, Dịch vụ chẩn đoán hình ảnh (gồm chụp X-quang, siêu âm, chụp CT và MRI). Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ trực cấp cứu bao gồm bác sĩ gây mê, chuyên gia săn sóc đặc biệt, bác sĩ nhi, bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ phẫu thuật tổng quát, bác sĩ chấn thương chỉnh hình, bác sĩ tim mạch, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ nhãn khoa và các chuyên môn khác cũng luôn sẵn sàng ứng cứu cho mọi tình huống cho dù là nguy hiểm nhất.

Bác sĩ Hải cho biết công tác cấp cứu quyết định tính mạng của bệnh nhân. Bệnh viện FV phải trang bị xe cứu thương hiện đại, đầy đủ tiện nghi để có thể sơ cứu bệnh nhân ngay tại hiện trường, các máy móc trang thiết bị này phải được kiểm tra mỗi ngày và bảo hành định kỳ đúng qui trình, và điều quan trọng là ê-kíp cấp cứu phải được đào tạo bài bản, làm chủ được máy móc, phương tiện, đem lại hiệu quả điều trị cao.

Không phải ngẫu nhiên mà FV đã vượt qua các đợt kiểm tra khắt khe để vinh dự được chọn tham gia hỗ trợ y tế trong chuyến thăm TP.HCM của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francoise Hollande trong năm 2016. Điều kiện quan trọng để được chọn là bệnh viện đã đạt được chứng nhận y tế quốc tế JCI (Mỹ), một trong những tổ chức giám định chất lượng y tế khắt khe nhất thế giới.

Xe cấp cứu của Bệnh viện FV trong đoàn hộ tống chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 5-2016.

Một ví dụ về độ khắt khe của JCI được bác sĩ Hải kể lại. “Tại FV, khi bệnh nhân đến, sau quy trình phân lọc bệnh, những người bị các bệnh truyền nhiễm sẽ được cách ly ngay vào phòng có áp lực âm. Đấy là một phòng đặc biệt vì không khí chỉ có thể đi từ ngoài vào trong chứ không thể từ trong ra do áp lực bên trong thấp hơn, do đó mầm bệnh không thể phát tán ra ngoài. Căn phòng này được JCI kiểm tra rất kỹ: không chỉ kiểm tra trong phòng và đồng hồ áp suất mà còn kiểm tra cả lịch kiểm tra và bảo hành đồng hồ. Họ cũng kiểm tra vô cùng kỹ các phòng khử khuẩn khử nhiễm cho bệnh nhân, ngay cả nút xả nước cũng không thoát được kiểm tra.”

Không chỉ được hưởng một môi trường sạch, vô trùng, điều quan trọng tại bệnh viện này là người bệnh được bảo đảm an toàn trong chăm sóc điều trị ở cấp độ tối ưu, được phục vụ tốt nhất trong mọi tình huống.

Trường hợp của ông Laurent Marmot, một doanh nhân người Pháp, là ví dụ điển hình. Bị căn bệnh bóc tách động mạch mạc treo tràng trên tự phát, loại bệnh nguy hiểm nhưng hiếm gặp trên thế giới, nhưng ông đã được điều trị thành công tại bệnh viện FV cuối năm 2013.

“Đến bây giờ, nhớ lại khoảng ba tuần nằm điều trị tại Phòng Hồi sức Tích cực FV, tôi vẫn biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng và những nhân viên khác nhiều lắm. Vì đau đớn, vì mệt mỏi, vì khó chịu tôi gần như “quậy banh” phòng Hồi sức. Có những lúc tôi gào lên vì đau, quát mắng bác sĩ và điều dưỡng, không cho họ động vào mình. Thế nhưng lúc nào họ cũng nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc tôi. Tôi không di chuyển được nên mọi sinh hoạt vệ sinh đều do các nữ hộ lý thực hiện. Mỗi lần lau chùi, rửa mình cho tôi, tuy vóc người nhỏ bé nhưng họ phải nâng một gã Tây to lớn như tôi lên vừa lau chùi vừa nhỏ nhẹ vỗ về an ủi. Tôi nhăn nhó nhưng thật ra trong lòng là cả một sự biết ơn vô hạn. Vì nằm trên giường lâu, tôi phải tập từng bước, húp từng muỗng cháo, thìa nước… không khác gì một đứa trẻ. Các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia vật lý trị liệu, điều dưỡng luôn ở cạnh tôi, động viên tôi sau mỗi bước đi, mỗi cái nhăn mặt nuốt thức ăn. Phải có tấm lòng rộng mở và kiên nhẫn lắm họ mới có thể làm được như thế với một người xa lạ. Và cũng nhờ họ tôi chưa bao giờ từ bỏ ý chí được sống”, ông Marmot bồi hồi nhớ lại.

Chăm sóc bệnh nhân tại FV phải bảo đảm để người bệnh được cảm thấy dễ chịu và thoải mái nhất.

Nguồn: Tạp chí Nữ Doanh Nhân tháng 3/2017

Zalo