Bản Tin Sức Khỏe

Để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn nữa

Nhiều nhân vật nổi tiếng Việt Nam đã chọn FV làm nơi sinh cho các thiên thần bé bỏng của mình, không những 1 lần mà có khi 2 lần hoặc hơn nữa.

Chuyện sinh nở, ai cũng biết, không chỉ là niềm vui của người làm cha làm mẹ mà còn là niềm tự hào của cả hai dòng họ nội ngoại – một gia đình lớn! Tại FV, người hỗ trợ mang đến niềm vui trọn vẹn cho các gia đình đó, ngoài bác sĩ Sản, thì chính là đội ngũ các chị nữ hộ sinh. Các chị là những người luôn bên cạnh sản phụ và em bé từ cơn chuyển dạ cho đến lúc chăm sóc hậu sản.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại FV

Chị Trần Thị Thanh Trang, Nữ hộ sinh Phó tại Khoa Sản, chia sẻ rằng tất cả các nữ hộ sinh trong khoa, ai ai cũngđóng góp nhiều cho niềm vui của các bậc cha mẹ ấy nhưng đó là những công việc thầm lặng. Tất cả nữ hộ sinh đều biết những việc phải làm cho mẹ và bé sơ sinh, luôn sẵn sàng hỗ trợ chăm sóc mẹ và bé bất kể đó là vấn đề gì.

Không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân là mục tiêu hàng đầu của FV, và luôn tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi. Tháng 11/2016, FV đã đưa chị Thanh Trang sang Singapore tham gia khóa đào tạo ngắn ngày tại bệnh viện phụ sản và nhi đồng KK, một bệnh viện hàng đầu khu vực về Sản khoa, Phụ khoa và Nhi khoa. Cả FV và KK đều đã đạt chứng nhận y tế quốc tế JCI – con dấu vàng JCI công nhận những cam kết của FV và KK về an toàn bệnh nhân, chất lượng chăm sóc bệnh nhân và quản lý bệnh viện. Khóa học nhằm giúp chị Thanh Trang học hỏi thêm kinh nghiệm từ một bệnh viện quốc tế và đó cũng nhằm ghi nhận những đóng góp cho FV từ chị, người đã làm việc ở đây từ khi bệnh viện mở cửa năm 2003.

Khoảnh khắc chị Trần Thị Thanh Trang đang làm việc tại FV

Chị Trang chia sẻ về khóa học: “Tôi thấy FV và KK giống nhau ở chỗ đều nỗ lực hết sức mình để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất bệnh nhân theo đúng tinh thần chứng nhận JCI. Tuy nhiên, cũng có những điểm khác nhau như: tại FV chúng tôichăm sóc các bà mẹ đến 3 ngày sau khi sinh em bé thì xuất viện, nhưng tại KK các mẹ chỉ ở lại trong 24 giờ rồi được xuất viện, và sẽ được tiếp tục săn sóc từ cơ sở y tế địa phương. Đó là do Singapore là nước rất phát triển, nhân viên y tế địa phương hoàn toàn có thể chăm sóc tốt cho các mẹ chỉ 24 giờ sau khi sinh bé. Còn tại FV đây, các mẹ và bé nằm viện 3 ngày để được chăm sóc đầy đủ, thích hợp. Đội ngũ hộ sinh sẽ hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc em bé như cho bú, cách lấy sữa mẹ để trữ, cách chăm sóc khi bé bị vàng da…”

Được lãnh đạo cho sang Singapore để học hỏi thêm, chị tâm sự: “Tôi bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Tổng Giám đốc bệnh viện FV, bác sĩ Jean-Marcel Guillon, vì đã tạo cơ hội tuyệt vời cho tôi đến thấy và học được kinh nghiệm, để biết một bệnh viện hàng đầu ở đất nước phát triển cao như Singapore hoạt động như thế nào. Thật là ‘Đi một ngày đàng học một sàng khôn’. Tôi đem về lại FV những gì tôi thấy được, học được từ KK để tiếp tục giúp đồng nghiệp FV không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng y tế ở đây”.

Nhận xét về chị Trang, TGĐ bác sĩ Guillon cho biết: “Thanh Trang là người khiêm tốn nên không thích mình được viết hay nói tới cho nhiều người biết. Nhưng Thanh Trang xứng đáng cho vị trí của Trang. Ai cũng thích Trang và mọi người đều ghi nhận những đóng góp và nỗ lực của Trang”. Bác sĩ Guillon cũng nhận xét: Thanh Trang làm việc rất tận tâm và có kiến thức chuyên môn khá sâu.

Tại khoa Sản, chị Trang là một trong những đầu tàu, một tấm gương cho các đồng nghiệp nỗ lực noi theo. Họ cùng làm việc, cùng tận hưởng niềm hạnh phúc khi chăm sóc các bà mẹ và trẻ sơ sinh, cùng nhau chia sẻ khó khăn và những kỷ niệm. “Chính những điều ấy làm chúng tôi gắn bó với nghề như cái nghiệp với cuộc đời vậy”, chị Thanh Trang tâm sự.

Kể lại một trong những kỷ niệm nghề cùng đồng nghiệp, chị nhớ đến ca của một sản phụ người Pháp tên H. cách đây khá lâu. Cô H. biến chứng vết khâu ở tầng sinh môn và nằm lại khoa Sản thêm một thời gian cho vết thương lành hẳn. Ngoài đau chỗ khâu, người mẹ còn lo lắng vì em bé tuy được ở chung với mẹ nhưng lại không được bú mẹ vì cô H đang được tiêm kháng sinh. Bà mẹ trẻ hơi bi quan dù đã được các nữ hộ sinh động viên rất nhiều. Các chị cùng trò chuyện với cô ấy, động viên H. tâm sự với các chị để giúp giải tỏa lo lắng trong lòng sản phụ. Nhờ đó, H. có thêm kiên nhẫn và mạnh mẽ cho đến cuối quá trình điều trị. Chị Thanh Trang và các chị khác trong khoa luôn nhắc nhở nhau rằng nếu luôn được động viên và quan tâm thực sự, H. sẽ suy nghĩ lạc quan hơn. Và họ đã thành công.

H. tươi tỉnh và tự tin hơn ngày qua ngày. Lúc xuất viện cũng là ngày cô cảm thấy bịn rịn nhất với bao gương mặt thân quen, đã từng hết lòng chăm sóc cô. H. trở thành người bạn của các chị nữ hộ sinh từ bao giờ không biết. Mới đây, H. báo tin đang chuẩn bị chào đón em bé thứ hai và rất mong lại được các chị nữ hộ sinh của khoa Sản chăm sóc lần nữa, các chị ai cũng mừng cho H. Và họ xem như đó là phần thưởng lớn riêng cho bản thân mình.

Các nữ hộ sinh và một số nhân viên khác tại khoa Sản sẵn sang phục vụ bệnh nhân.

THANH TRANG

  • Đã lập gia đình, làm tại FV từ 2003
  • Sở thích: xem phim bộ
  • Làm gì trong thời gian rãnh: đọc thêm để trau dồi kiến thức
  • Màu ưa thích: Xanh lá
  • Mục tiêu trước mắt: Bằng thạc sĩ về quản lý điều dưỡng
Zalo