Bản Tin Sức Khỏe

Tầm soát ung thư vùng đầu và cổ bằng ống nội soi siêu nhỏ

Ung thư ở vùng đầu và cổ là một trong nhưng loại ung thư chiếm tỷ lệ cao trong những loại ung thư thường gặp. Triệu chứng lâm sàng không rõ ràng nên để phát hiện sớm ung thư, người bệnh nên khám tầm soát định kỳ. Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV thực hiện chương trình tầm soát ung thư vùng đầu và cổ bằng hệ thống máy nội soi với ống mềm siêu nhỏ ENF-V2 của Olympus (Nhật Bản).

Các loại ung thư ở vùng đầu cổ thường gặp nhất là ung thư vòm họng, ung thư Amidal, ung thư hạ họng – thanh quản, ung thư hạch vùng cổ, ung thư tuyến giáp, ung thư lưỡi… Triệu chứng lâm sàng không có gì nổi bật ngoài việc bệnh nhân thường xuyên bị ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ù tai, nuốt vướng, khạc ra máu, khàn tiếng, đau cổ, nổi hạch… Do vậy, để phát hiện sớm ung thư, ngoài những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, siêu âm, chụp cộng hưởng từ… thì phương pháp nội soi giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh một cách chính xác nhất.

Đạt tiêu chuẩn chăm sóc cao nhất nhờ chất lượng hình ảnh tối ưu

Trong những năm gần đây, các bác sĩ tai mũi họng ngày càng có nhu cầu cao hơn về chẩn đoán hình ảnh. Công ty Olympus Corporation của Nhật Bản đã cho ra đời một thiết bị không chỉ cho chất lượng hình ảnh nổi trội mà còn dễ dàng điều chuyển hướng trong khoang họng, thanh quản và mũi: hệ thống nội soi tai mũi họng ENF-V2. Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV là một trong số ít các bệnh viện trên cả nước được trang bị hệ thống nội soi ống mềm siêu nhỏ ENF – V2 hiện đại bậc nhất này.

Máy nội soi có ống mềm siêu nhỏ với con chip CCD mô phỏng màu hiện đại cho hình ảnh độ phân giải cao nhờ công nghệ “chip-on-the-tip” (con chip ở đầu nội soi), tương thích với công nghệ giải tần ánh sáng hẹp (Narrow Band Imaging™). Máy nội soi ENF-V2 có đường kính ống chỉ 3.2mm, nhỏ hơn 0.7mm so với ống nội soi quang học thông thường. Máy nội soi tai mũi họng ENF-V2 cho chất lượng hình ảnh vượt trội, với hình ảnh sáng và rõ nét nhất so với các loại máy nội soi tai mũi họng hiện nay.

Ống nội soi mềm có thể gấp góc linh hoạt lên xuống 130 độ theo cần điều chỉnh tự động tạo điều kiện đưa ống soi vào ít xâm lấn và khả năng định hướng hiệu quả. Với trường nhìn rộng đến 90 độ cho phép quan sát một vùng rộng lớn, thiết bị nội soi NBI với ống nội soi mềm cung cấp hình ảnh chất lượng cao, sáng và rõ nét.

Ưu điểm khác của ống nội soi mềm siêu nhỏ là không gây đau đớn cho bệnh nhân nên có thể đưa vào các hốc nhỏ dễ hơn, quan sát rõ các ngóc ngách do tính chất gập góc, có thể sử dụng để khám cho cả bệnh nhi.

Cho đến gần đây, người ta vẫn cho rằng sử dụng máy nội soi với ống nội soi lớn hơn là cách duy nhất để có được hình ảnh chất lượng cao và nếu ống nội soi quang học có đầu cuối nhỏ hơn có nghĩa là chất lượng hình ảnh sẽ giảm. Nhưng những quan điểm này đã thay đổi khi máy nội soi tai mũi họng ống nhỏ Olympus ENF-V2 ra đời. Đường ống nội soi siêu nhỏ của ENF-V2 có thể được sử dụng cho những khoang hốc nhỏ, vì thiết kế mỏng nhỏ giúp ống nội soi dễ dàng đi vào đồng thời cho hình ảnh quan sát rõ ràng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Quảng Đại – Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV là bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị các bệnh về tai mũi họng, đường hô hấp, và ung thư đầu cổ. Bác sĩ Đại cho rằng ống nội soi siêu nhỏ là lợi thế. “Không ai muốn bất cứ thứ gì to hơn thế đi qua mũi mình. Đối với một số bệnh nhân thì ống nội soi nhỏ hơn trở nên cực kỳ hữu ích; cũng có những bệnh nhân có cấu trúc khoang mũi mà ống nội soi lớn hơn khó đi vào. Nên sử dụng ống nội soi có kích thước nhỏ hơn đã tạo ra sự khác biệt”.

Thiết bị nội soi sử dụng dải tần ánh sáng hẹp với ống nội soi ống mềm đã phát huy được vai trò tối ưu trong việc phát hiện sớm các tổn thương ung thư ở vùng đầu và cổ như bấm sinh thiết, cắt hạt xơ, nang, polyp…

Công nghệ hình ảnh dải tần ánh sáng hẹp NBI

Kỹ thuật nội soi dải tần ánh sáng hẹp (Narrow Band Imaging) là một kỹ thuật tiên tiến đã và đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên (1994) đã phát minh ra kỹ thuật này và nhờ có kỹ thuật này đã giúp sàng lọc phát hiện nhiều bệnh nhân ung thư vùng đầu và cổ ở giai đoạn rất sớm. Nhờ vậy, số bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn giảm đi rất nhiều.

Công nghệ NBI cho phép quan sát các mô với độ chi tiết cao hơn bằng cách giả lập nhuộm màu các mô. So với công nghệ nội soi truyền thống trước đây (dùng dây cáp quang – Fiber hoặc nội soi truyền hình ảnh dải tần ánh sáng rộng), sử dụng ánh sáng phức hợp có dải tần phân bố bao phủ toàn bộ từ bước sóng 380nm đến 780nm, thì nội soi sử dụng công nghệ NBI có những ưu điểm rõ rệt trong việc theo dõi và chẩn đoán ung thư sớm dựa trên những biến đổi nhỏ nhất của niêm mạc và cấu trúc mô và mạch máu trên bề mặt.

Nội soi sử dụng dải tần ánh sáng hẹp NBI thực chất là nội soi sử dụng ánh sáng đơn sắc, trong đó hệ thống kính lọc và bộ phân tích xử lý ánh sáng với hai bước sóng 415nm (415 ± 30nm) và 540nm (540 ± 30nm) cho phép phân tích hình ảnh ở những vùng thiết yếu cần tập trung phân tích sâu hơn, cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn.

Nội soi sử dụng dải tần ánh sáng hẹp (NBI) mang lại nhiều lợi ích như giúp phát hiện tổn thương ung thư ở giai đoạn rất sớm; phân tích rõ ranh giới giữa vùng ung thư và vùng lành giúp bác sĩ lấy sinh thiết qua nội soi chính xác, tăng hiệu quả chẩn đoán; dựa trên kết quả phân tích hình ảnh rõ nét giúp bác sĩ đánh giá mức độ xâm lấn của khối bướu nhằm đưa ra định hướng điều trị phù hợp.

Máy nội soi tai mũi họng ENF-V2 sử dụng công nghệ dải tần ánh sáng hẹp – công nghệ hiện đại, đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu sử dụng. Hình ảnh quan sát rõ nét nhờ công nghệ NBI có thể tăng hiệu quả nội soi bằng cách giảm thời gian nội soi, ngoài ra còn hỗ trợ sinh thiết chính xác hơn.

Bác sĩ Đại cho biết: “Hình ảnh từ con chíp gắn ở ngoại biên là một lợi thế tuyệt vời so với hình ảnh nội soi quang học thông thường, và giờ đây công nghệ NBI còn mang tới khả năng cho biết thông tin về hình ảnh rõ nét theo yêu cầu của bác sĩ. NBI là công nghệ làm nổi bật hình ảnh cần quan sát. NBI cũng giúp thấy rõ những vùng bị tổn thương có hình ảnh nhợt nhạt, trắng mờ mà nếu quan sát bằng ánh sáng trắng sẽ rất mờ nhạt và khó thấy và sẽ khiến bác sĩ không thể đánh giá đúng những tổn thương này.”

Bác sĩ Đại lưu ý thêm: “Tôi sử dụng NBI vì công nghệ này cho phép tôi quan sát mọi thứ theo cách khác, và sau đó, tôi chuyển sang quan sát lại bằng ánh sáng trắng nơi cụ thể cần quan sát kỹ hơn”.

Zalo