Tin tức

Can thiệp dinh dưỡng giúp tối ưu hóa chiến lược trong điều trị ung thư và ngoại khoa

Bệnh viện FV phối hợp cùng Đại học Y Hà Nội, vừa tổ chức thành công hội thảo y khoa “Chăm sóc dinh dưỡng & Cập nhật kỹ thuật mới trong Điều trị bệnh nhân ung bướu và ngoại khoa”. Hội thảo diễn ra vào sáng 11/11/2023 tại Tp.HCM, với sự tham dự của hơn 230 bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu, ngoại khoa và dinh dưỡng.

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng cho phục hồi hậu phẫu

Phát biểu khai mạc sự kiện, TS.BS. Đỗ Trọng Khanh (Giám đốc Y Khoa, Bệnh viện FV) đã thay mặt đơn vị tổ chức gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, các đồng nghiệp tham dự và các đơn vị tài trợ hội thảo. Bác sĩ Khanh nói: “FV trong nhiều năm nay đang phấn đấu trở thành bệnh viện tuyến cuối, nhằm giúp giảm áp lực cho các bệnh viện hàng đầu tại TpHCM. Hội thảo sẽ là nơi giúp chúng tôi lắng nghe và chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình trong việc phát triển các chiến lược điều trị hiện đại”. Với mô hình lấy bệnh nhân làm trung tâm, đầu tư vào khoa học công nghệ và phối hợp đa chuyên khoa vào công tác điều trị, FV đang tiếp tục mang tới quy trình điều trị toàn diện hơn cho người bệnh, bác sĩ Khanh cho biết.

TS.BS. Đỗ Trọng Khanh phát biểu khai mạc

Mở đầu hội thảo, TS.BS. Trần Phùng Dũng Tiến (Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy) đã trình bày loạt ca lâm sàng trong báo cáo về: “Dinh dưỡng sau phẫu thuật cắt nối đại trực tràng do ung thư”. Phần trình bày của bác sĩ Tiến chú trọng vào chia sẻ kinh nghiệm hữu ích mà đơn vị của ông đã đúc kết trong thực hành. Ông đưa ra một số chương trình phục hồi sớm sau mổ, các khuyến nghị về dinh dưỡng, các phác đồ và điều chỉnh dinh dưỡng sau phẫu thuật đại trực tràng. “Dinh dưỡng sớm mang đến ích lợi lớn trong việc phục hồi sau mổ, tuy nhiên cần đánh giá chính xác tình trạng bệnh, kết hợp với sự uyển chuyển trong kinh nghiệm của người bác sĩ”, bác sĩ Tiến kết luận.

TS.BS. Trần Phùng Dũng Tiến báo cáo về: “Dinh dưỡng sau phẫu thuật cắt nối đại trực tràng do ung thư”

Tiếp nối chủ đề, BS. CKII Phan Văn Thái (Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV) đã trình bày phương án “Dinh dưỡng sau phẫu thuật cắt tụy toàn phần do IPMN / Ung thư tuyến tụy”. Bác sĩ Thái cho biết: “Phẫu thuật cắt tụy toàn bộ tuy không gặp nhiều khó khăn trong kỹ thuật mổ, nhưng vấn đề nằm ở việc điều trị dinh dưỡng hậu phẫu”. Phẫu thuật cắt tụy ảnh hưởng đến việc suy giảm nội tiết và suy giảm ngoại tiết trong cơ thể.

Đối với nội tiết, phẫu thuật cắt tụy làm giảm sản xuất insulin analogues, dẫn đến việc bệnh nhân có thể mắc tiểu đường. Bác sĩ Thái cho biết trong thực hành sẽ điều trị tiểu đường cho bệnh nhân tương tự tiểu đường type 1, theo dõi đường huyết, nội tiết và hệ tiêu hóa của bệnh nhân thường xuyên, đồng thời kết hợp chặt chẽ với bác sĩ nội tiết, dinh dưỡng trong điều trị.

BS. CKII Phan Văn Thái trình bày phương án “Dinh dưỡng sau phẫu thuật cắt tụy toàn phần do IPMN / Ung thư tuyến tụy”

Sau phẫu thuật cắt tụy toàn bộ, tỷ lệ suy tụy ngoại tiết gần như tuyệt đối. Bên cạnh đó bệnh nhân còn có thể mắc các bệnh lý khác về tuyến tụy; rối loạn chuyển hóa chất béo và protein hoặc bị suy dinh dưỡng,.. Bác sĩ Thái cho biết hiện nay việc điều trị bằng thuốc cung cấp enzyme tuyến tụy thế hệ mới, kết hợp với chiến lược dinh dưỡng trước, trong và sau phẫu thuật đã đạt được hết quả tích cực, không chỉ cho bệnh nhân phẫu thuật cắt tụy, mà còn cho người mắc bệnh suy tụy.

Tiếp nối chủ đề, TS.BS. Lê Quan Anh Tuấn (Trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) lần nữa nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng trong điều trị ngoại khoa. Bài báo cáo “Dinh dưỡng cho bệnh nhân phẫu thuật theo chương trình ERAS” cũng chỉ ra nhiều khó khăn của việc triển khai ERAS (Enhanced Recovery After Surgery – Tăng cường phục hồi sau phẫu thuật) trong thực hành lâm sàng, đặc biệt là vấn đề phối hợp giữa nhiều chuyên khoa và đơn vị khác nhau.

TS.BS. Lê Quan Anh Tuấn  báo cáo về “Dinh dưỡng cho bệnh nhân phẫu thuật theo chương trình ERAS”

Bên cạnh đó, bác sĩ Tuấn cũng lưu ý về việc khắc phục các yếu tố gây ra đánh giá sai dinh dưỡng người bệnh, cũng như phương án can thiệp dinh dưỡng theo ERAS. “Triển khai ERAS là một chặng đường dài và hiện còn nhiều rào cản về nhân lực. Tuy nhiên lợi ích mang lại cho người bệnh là rất tích cực”, bác sĩ Tuấn nhận định.

Các báo cáo viên trong lĩnh vực ngoại khoa đều nhấn mạnh đến việc triển khai ERAS trong thực hành, để mang đến ích lợi cao hơn cho người bệnh. Đây là một chiến lược chăm sóc toàn diện, kết hợp đa chuyên khoa, nhằm tối ưu hóa quá trình chăm sóc và điều trị (trước, trong và sau phẫu thuật), rút ngắn thời gian nằm viện, giảm biến chứng, giảm chi phí, đồng thời tăng độ hài lòng của người bệnh. Trong đó, dinh dưỡng được xem là một thành phần chính của chương trình ERAS.

Hỗ trợ dinh dưỡng mang đến phác đồ tối ưu hơn cho bệnh nhân ung thư

Liên quan đến chủ đề xạ trị trong ung thư, BS. Basma M’Barek (Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV), có phần trình bày về các kỹ thuật xạ trị tiên tiến đã giúp phục hồi dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư như thế nào. Bác sĩ Basma cho biết, 60% bệnh nhân ung thư sẽ cần xạ trị với mục đích điều trị hoặc giảm nhẹ tình trạng. Có đến 60 – 80% bệnh nhân có tác dụng phụ cấp tính khi tham gia quá trình xạ trị, khoảng 50% thì có tác dụng phụ muộn về sau, điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

BS. Basma M’Barek trình bày về các kỹ thuật xạ trị tiên tiến đang ứng dụng tại Bệnh viện FV

Hiện nay nhiều phương pháp xạ trị hiện đại đã được phát triển như IMRT, VMAT, SBRT mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm tác dụng phụ, hạn chế các tác động đến các cơ quan lành xung quanh, có thể dễ hỗ trợ dinh dưỡng hơn cho bệnh nhân ung bướu so với trước đây (như gây khó nuốt, các bệnh lý tiêu hóa,…). Thông qua các ca bệnh điển hình, bác sĩ Basma cho thấy, việc áp dụng xạ trị tiên tiến đúng thời điểm, đúng liều lượng sẽ giúp thể trạng bệnh nhân ổn định hơn, từ đó dẫn đến thuận lời trong việc cung cấp giải pháp dinh dưỡng sớm cho người bệnh, mang tới kế hoạch điều trị chính xác hơn, giúp giảm khả năng gián đoạn điều trị, giảm các tác dụng phụ cấp tính và giảm chi phí điều trị.

Tập trung vào phần dinh dưỡng cho bệnh nhân ung bướu, BS. CKII Trần Thị Anh Tường (Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh Viện Ung bướu TP.HCM) đã chỉ ra những hiệu quả rõ ràng trong thực hành lâm sàng. Bài báo cáo “Can thiệp dinh dưỡng tối ưu cho bệnh nhân ung thư trong thời gian nằm viện và sau khi xuất viện” của bác sĩ Tường cho thấy, có đến 80,4% bệnh nhân ung thư mắc suy dinh dưỡng, 30% không thể hóa trị vì thể trạng không đáp ứng và khoảng 42,5% suy dinh dưỡng dạng không phục hồi được. Ngoài ra chỉ có khoảng 24,2% bệnh nhân ung bướu được điều trị dinh dưỡng (nghiên cứu trên 1373 mẫu).

BS. CKII Trần Thị Anh Tường có phần trình bày báo cáo rất thu hút

Bác sĩ Tường chia sẻ: “Việc tư vấn dinh dưỡng có yếu tố quyết định trong quá trình điều trị ung thư, đồng thời cũng cần phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa để đạt hiệu quả cao hơn”. Thông qua phần trình bày cuốn hút, bác sĩ Tường đã đề xuất chiến lược nuôi ăn dinh dưỡng 3T (Targeting, Titrating, Timing), cân nhắc sớm việc nuôi ăn bằng phương án mở thông dạ dày qua da bằng ống PEG cho bệnh nhân ung thư đầu cổ, can thiệp suy mòn (cancer cachexia), các phương án lên thực đơn,… Qua đó mang lại góc nhìn nhất quán hơn trong việc hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh trong quá trình điều trị ung bướu.

Tiếp nối chủ đề dinh dưỡng, phần trình bày của BS. CKII Nguyễn Viết Quỳnh Thư – (Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện FV), đã tập trung vào “Vai trò của chất dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch trên bệnh nhân ung thư trải qua phẫu thuật, hóa trị, xạ trị”. Trong quá trình mắc bệnh và điều trị ung thư, nhiều bệnh nhân gặp phải nhiều rối loạn về dinh dưỡng, cũng như sự thay đổi về não bộ dẫn đến việc biếng ăn, thay đổi vị giác.. Việc hỗ trợ dinh dưỡng không đầy đủ cũng làm tăng thời gian điều trị, tăng chi phí, tăng các biến chứng không mong muốn, là nguyên nhân gây tử vong ở 20% bệnh nhân ung bướu.

BS. CKII Nguyễn Viết Quỳnh Thư chia sẻ về phương pháp sử dụng chất dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch cho bệnh nhân ung thư 

Bác sĩ Thư nói: “Sử dụng chất tăng cường miễn dịch giúp cải thiện dinh dưỡng và tâm lý cho bệnh nhân ung thư. Phương pháp này cũng an toàn và giúp giảm nhiều biến chúng cho người bệnh”. Bác sĩ Thư chia sẻ, hiện nay việc đo lường vi chất, nắm rõ tình trạng cơ thể của người bệnh ung thư và đặc biệt là thiết lập một đội ngũ chuyên gia chăm sóc dinh dưỡng (NST – Nutritional Support Team) đã được ứng dụng thường quy tại FV.

Trong phần cuối hội thảo, TS.BS. Nguyễn Thùy Linh (Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã trình bày các ca lâm sàng can thiệp dinh dưỡng điển hình trong điều trị ung thư. Đối với nhóm bệnh rối loạn nuốt (chủ yếu do điều trị ung thư đầu cổ), bệnh nhân thường gặp các vấn đề suy dinh dưỡng nặng, thiếu máu, khó nuôi ăn,… Từ đó, bác sĩ Linh chia sẻ các phương án giúp nuôi ăn nhóm bệnh nhân này, nhằm đảm bảo dinh dưỡng và hạn chế các rủi ro khi cho ăn, ngay cả trong tình huống phải hướng dẫn người nhà khi chăm bệnh. “Tùy thuộc vào điều kiện của từng cơ sở y tế mà chúng ta sẽ sử dụng nhân lực là nhân viên y tế hay người nhà. Tuy nhiên cần hướng dẫn phương pháp và kiểm soát quá trình, để mang tới hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân”, bác sĩ Linh kết luận.

TS.BS. Nguyễn Thùy Linh trình bày các ca lâm sàng can thiệp dinh dưỡng điển hình trong điều trị ung thư

Hội thảo y khoa “Chăm sóc dinh dưỡng & Cập nhật kỹ thuật mới trong Điều trị bệnh nhân ung bướu và ngoại khoa” đã mang đến nhiều cập nhật điều trị cho người tham dự, đặc biệt là các vấn đề về dinh dưỡng lâm sàng. Từ đó góp thêm những hiểu biết mới, giúp phát triển các kế hoạch điều trị hiệu quả hơn cho các bệnh lý ung bướu và ngoại khoa, mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.

Zalo