Tin tức

TRUNG TÂM ĐIỀU TRỊ UNG THƯ HY VỌNG THAM GIA HỘI NGHỊ KHOA HỌC VỀ XẠ TRỊ VỚI NHIỀU BÁO CÁO CHẤT LƯỢNG

Trong hội nghị khoa học Xạ trị ung thư năm 2023 được tổ chức bởi Bệnh viện TWQĐ 108 vào ngày 18 – 19/5/2023, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy vọng – Bệnh viện FV đã chứng tỏ sự nỗ lực và cam kết của mình trong việc đầu tư vào khoa học công nghệ và các kỹ thuật cao trong điều trị ung thư.

Nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị 

Đây là lần thứ 2 Hội nghị khoa học Xạ trị ung thư được Bệnh viện TWQĐ 108 tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của hơn 300 khách mời, bao gồm các lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ, kỹ sư,… đang làm việc trong lĩnh vực xạ trị ung thư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nghị cũng có sự tham dự và tham gia báo cáo của nhiều trung tâm điều trị ung thư danh tiếng trên thế giới.

Tham gia Hội nghị, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy vọng đã góp mặt với 5 bài báo cáo, trong đó có 3 bài thuyết trình và 2 bài áp phích. Điều này thể hiện sự đóng góp và thành tựu của Trung tâm Hy Vọng trong công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong điều trị ung thư.

Hình ảnh đội ngũ Y Bác sĩ chụp hình lưu niệm tại sự kiện

Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy vọng – BS. Basma M’barek đã có 2 bài thuyết trình về thực hành kỹ thuật SBRT / SRS và IMRT thích ứng tại FV. SBRT và SRS là hai kỹ thuật xạ trị tập trung vào việc cung cấp một liều xạ trị cao và chính xác vào một khu vực nhỏ, nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng hạn chế đáng kể tổn thương tới các mô xung quanh. SBRT thường được áp dụng trong việc điều trị ung thư các bộ phận ngoại vi, trong khi SRS được sử dụng cho những khối u nhỏ trong não. Trong khi đó, IMRT là một phương pháp xạ trị hiện đại cho phép cung cấp một liều xạ chính xác, có thể điều chỉnh được mật độ liều xạ tại từng vùng của khối u. Phương pháp này cũng giúp tăng hiệu quả điều trị, người bệnh mau phục hồi, hạn chế tác dụng phụ nhiều hơn so với các phương pháp cũ.

Sự thích ứng của kỹ thuật SBRT/SRS và IMRT tại Bệnh viện FV cho thấy Trung tâm Điều trị Ung thư Hy vọng đã đầu tư mạnh mẽ không chỉ về thiết bị và công nghệ tiên tiến, mà còn chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia, có kinh nghiệm thực hành các phương pháp này. Tuy chi phí đầu tư không nhỏ, nhưng các ca điều trị thành công được báo cáo tại hội nghị, đã đáp lại công sức đầu tư, giúp chứng minh sự chuyên sâu và tính hiệu quả của các phương pháp này tại Bệnh viện FV.

Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy vọng – BS. Basma M’barek trình bày tại hội nghị

Những bước tiên phong trong điều trị ung thư tại Việt Nam 

Trong khi đó, kỹ sư Trần Ánh Dương (Chuyên viên Vật lý – Trung tâm Hy vọng) đã trình bày về kỹ thuật Xạ trị toàn thân – TBI. Việc trình bày về kỹ thuật Xạ trị toàn thân – TBI và ca bệnh đầu tiên được điều trị bằng kỹ thuật này tại Việt Nam, là một thành tựu đáng tự hào, cho thấy sự tiên phong và nỗ lực lớn của Trung tâm Hy Vọng, trong việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhất trong điều trị ung thư.

TBI là một phương pháp xạ trị được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư trong toàn bộ cơ thể hoặc một phần lớn cơ thể. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự chính xác cao và an toàn. “Mục tiêu TBI là cung cấp một liều điều trị đồng nhất cho toàn bộ cơ thể và giảm liều cho các cơ quan trọng yếu như phổi, thận, mắt và thủy tinh thể,…”, anh Ánh Dương cho biết. Kết hợp với hóa trị, TBI có thể dùng để điều trị suy tủy liều cao và điều hòa miễn dịch trước quá trình ghép tủy xương hoặc tế bào gốc.

Phần trình bày của anh Dương nhấn mạnh, xạ trị toàn thân – TBI tại Bệnh viện FV được thực hiện dựa trên kỹ thuật điều biến liều theo thể tích (VMAT – Volumetric Modulated Arc Therapy). VMAT là một kỹ thuật tiên tiến trong xạ trị ung thư, cho phép phân phối tia xạ theo cách tốt nhất trên toàn bộ cơ thể của bệnh nhân. Sự kết hợp này giúp việc phát xạ theo quỹ đạo cung xoay, tạo ra sự phân bố tia xạ tối ưu và đồng nhất trên toàn bộ cơ thể, tùy chỉnh được liều xạ, nên giúp giảm thiểu tác động lên các cơ quan trọng yếu.

Kỹ sư Vật lý Trần Ánh Dương (Trung tâm Hy vọng) đã trình bày về kỹ thuật Xạ trị toàn thân – TBI

Thông qua phần trình bày về ca bệnh đầu tiên được điều trị bằng kỹ thuật TBI tại FV, có thể thấy những đòi hỏi tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị và thực hiện. Trong đó bao gồm việc đánh giá tổng thể bệnh nhân, chuẩn bị dụng cụ mô phỏng, phương án cố định tư thế bệnh nhân, phương án chiếu xạ (xác định liều xạ, vùng xạ trị,…) và phương án theo dõi, chăm sóc sau điều trị. Do vậy, tương tự như các phương pháp chiếu xạ hiện đại đã nêu, TBI ngoài yếu tố phải đầu tư lớn về kinh phí, thì việc xây dựng được đội ngũ chuyên môn bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, kỹ thuật viên,… nhằm triển khai kỹ thuật này chính xác và thuần thục, là điều đặc biệt tiêu tốn thời gian và công sức.

Xây dựng Trung tâm đáp ứng đúng và đủ nhu cầu điều trị 

Về báo cáo khoa học bằng áp phích, ThS. Phàng Đức Tín (Kỹ thuật viên Trưởng – Khoa chẩn đoán hình ảnh – Y học hạt nhân – Xạ trị) đã thực hiện nội dung “Chế tạo ống ngậm và miếng bù da bằng sáp nha khoa để ứng dụng lâm sàng cho xạ trị vùng đầu cổ và ung thư da”. Bên cạnh đó là phần trình bày về “Kinh nghiệm của kỹ thuật viên xạ trị về thực hành kỹ thuật TBI dựa trên kỹ thuật VMAT tại FV”, của chị Nguyễn Thị Ngọc Kiều (Kỹ thuật viên xạ trị – Khoa chẩn đoán hình ảnh – Y học hạt nhân – Xạ trị). Đây cũng là những nghiên cứu và đúc kết quý báu của Trung tâm Hy Vọng, trong quá trình thực hành và ứng dụng các giải pháp nhằm bảo tồn hoặc tạo điều kiện điều trị thoải mái nhất cho các bệnh nhân ung bướu.

ThS. Phàng Đức Tín (Kỹ thuật viên Trưởng – Khoa chẩn đoán hình ảnh – Y học hạt nhân – Xạ trị FV) và bài thuyết trình áp phích tại sự kiện

Bệnh viện FV đã đặt mục tiêu đưa Trung tâm Điều trị Ung thư Hy vọng trở thành một trong những trung tâm hàng đầu trong khối bệnh viện tư nhân về điều trị ung thư tại Việt Nam, đặc biệt là trong kỹ thuật xạ trị. Với sự phát triển không ngừng, Trung tâm đã đầu tư và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất trong xạ trị như Xạ trị Toàn thân – TBI (Total Body Irradiation), Xạ trị Định vị Thân – SBRT (Stereotactic Body Radiation Therapy), Xạ phẫu Định vị – SRS (Stereotactic Radiosurgery), Xạ trị Điều biến Liều – IMRT (Intensity-Modulated Radiation Therapy), để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân.

Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy vọng cũng không ngừng đào tạo và cung cấp cơ hội học hỏi cho nhân sự của mình. Một phần đáp ứng nhu cầu về nhân lực chuyên môn cao, đồng thời duy trì một đội nhóm làm việc tích cực, chuẩn xác và ăn ý tại Trung tâm. Bên cạnh đó, hai lợi thế lớn của Trung tâm Hy vọng là nhận được sự cộng tác, hỗ trợ tích cực từ đa chuyên khoa tại FV; đồng thời là mối liên kết bền chắc với các trung tâm ung bướu danh tiếng trên thế giới như HCG, hay các bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam trong điều trị ung bướu.

Từ thời điểm thành lập năm 2018, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy vọng đã không ngừng mở rộng mạng lưới hợp tác, tham gia các nghiên cứu khoa học và nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm của mình với cộng đồng y khoa, tương tự như tại Hội nghị khoa học Xạ trị ung thư lần này. Cùng với sự đầu tư đúng mực từ Bệnh viện FV, Trung tâm Hy Vọng đã mang lại hiệu quả điều trị tích cực cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam, bằng những kỹ thuật tương đương với các trung tâm tiên tiến trên thế giới và với mức chi phí điều trị hợp lý.

Zalo